Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

Kết luận thanh tra bản quyền truyền hình: VFF – AVG đúng luật

(Dân Việt) – Kết luận của Thanh tra Bộ VH-TT&DL khẳng định việc ký kết hợp đồng giữa VFF và An Viên được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, được pháp luật thừa nhận
Thanh tra Bộ VH-TT&DL khẳng định việc ký kết hợp đồng giữa VFF và An Viên được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, được pháp luật thừa nhận.
13h30 chiều nay, 16.2, tại trụ sở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã công bố kết luận thanh tra việc ký hợp đồng chuyển nhượng thương quyền đối với các giải bóng đá thuộc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) năm 2011-2030.
Theo thông tin của Dân Việt, kết luận thanh tra do ông Vũ Xuân Thành – Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL ký ngày 15.2.2012, có 7 vấn đề được đặt ra.
Thứ nhất, về quyền của VFF đối với thương quyền các giải bóng đá do VFF tổ chức. Căn cứ vào các quy định pháp luật bao gồm Khoản 2, Điều 53 Luật Thể dục, thể thao; Khoản 1, Điều 12 Nghị định 112/2007/NĐ-CP ngày 26.6.2007 của Chính phủ và Khoản 14, Điều 4 của Điều lệ VFF thì VFF có quyền sở hữu các giải bóng đá do VFF tổ chức.
Thứ hai, về thẩm quyền ký kết hợp đồng của VFF. Điều lệ của VFF đã được các thành viên, trong đó có các CLB thông qua, được xây dựng theo hướng dẫn của FIFA, được Bộ Nội vụ Việt Nam phê duyệt ngày 19.3.2010. Điều lệ này có giá trị như một thỏa thuận giữa VFF và các thành viên, được FIFA và pháp luật Việt Nam bảo hộ. Khi gia nhập VFF, các CLB đã hoàn toàn thừa nhận tôn chỉ mục đích, Điều lệ, tự nguyện chấp hành nghiêm chỉnh các Điều lệ, các Nghị quyết, chủ trương, quy định của Ban chấp hành.
Khoản 2 điều 74 Điều lệ VFF quy định: “Ban chấp hành Liên đoàn quyết định phương thức và mức độ sử dụng những quyền được quyết định ở khoản 1 Điều 74, đồng thời đưa ra các quy định đặc biệt cho mục đích này. Ban chấp hành có quyền quyết định sử dụng độc quyền các quyền trên hoặc liên kết với một bên thứ ba hoặc hoàn toàn thông qua bên thứ ba”.
Đồng thời, Điều 75 Điều lệ VFF quy định: “Liên đoàn Bóng đá Việt Nam là cơ quan duy nhất được trao quyền cho các đối tác về phân phối hình ảnh, âm thanh và những dự liệu khác của các trận bóng cũng như các sự kiện hoạt động bóng đá do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức và không có bất kỳ giới hạn nào về nội dung thời gian, địa điểm, các vấn đề kỹ thuật và pháp lý”.
Theo những quy định trên thì VFF có đủ thẩm quyền trong việc chuyển nhượng quyền sở hữu đối với các giải bóng đá thuộc VFF cho An Viên.
Thứ ba, về việc VFF thực hiện các thủ tục ký kết hợp đồng.
- Ngày 8.6.2010, VFF đã có Công văn 513/CV-LĐBĐVN-2010 gửi Bộ VH-TT&DL báo cáo về việc hợp tác khai thác bản quyền truyền hình, và đã được Bộ VH-TT&DL chấp nhận (Công văn số 2026/BVHTTDL-VP ngày 15.6.2010).
- Ngày 5.7.2010, BCH VFF đã ra Nghị quyết số 280/NQ-LĐBĐVN ủy quyền cho Thường trực BCH VFF đàm phán hợp đồng với An Viên về việc khai thác bản quyền truyền hình trong 20 năm.
- Ngày 30.11.2010, Thường trực BCH VFF đã ra Nghị quyết số 444/NQTT-LĐBĐVN, trong đó đã thống nhất chủ trương hợp tác với AVG trong thời hạn 20 năm (2011-2030) và ủy quyền cho Ban Tiếp thị vận động tài trợ tiếp tục đàm phán một số điểm còn vướng mắc liên quan đến quyền lợi của các CLB.
- Ngày 7.12.2010, Đại hội thường niên VFF 2010 đã ra Nghị quyết số 446/NQ-ĐHTNLĐBĐVN 2010-VI, trong đó có nội dung biểu quyết thông qua việc cho phép VFF ký kết hợp đồng chuyển nhượng bản quyền truyền hình cho An Viên trong giai đoạn 2011-2030.
- Ngày 8.12.2010, VFF ký hợp đồng chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá do VFF tổ chức cho An Viên giai đoạn 2011 – 2030.
Như vậy, VFF đã thực hiện đầy đủ các thủ tục theo đúng các quy định của pháp luật và các quy định của tổ chức này khi ký kết hợp đồng với An Viên.
Thứ tư, về việc tuân thủ Luật Đấu thầu. Đối tượng chuyển nhượng của hợp đồng là thương quyền các giải bóng đá do VFF tổ chức, trong đó có thương quyền của các đội tuyển quốc gia, nhưng theo quy định của Điều 1, Luật Đấu thầu thì chỉ khi lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, mua sắm hàng hòa, xây lắp đối với gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn của nhà nước để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của VFF mới thuộc phạm vi điều chỉnh Luật Đấu thầu.
Như vậy, việc ký kết hợp đồng giữa VFF và An Viên không trái Luật Đấu thầu.
Thứ năm, về giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của An Viên. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của An Viên được Sở KH&ĐT Khánh Hòa cấp ngày 7.12.2010 có nội dung thứ 03 (mã ngành 74909) là “Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác còn lại chưa được phân vào đâu (Chi tiết: Mua bán, nhận chuyển nhượng bản quyền các công trình khoa học – kỹ thuật, sự kiện trong các lĩnh vực giải trí, thể thao, văn hóa xã hội, ca nhạc)”.
Theo các quy định của pháp luật, nội đung mã ngành 74909 trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của An Viên được Sở KH&ĐT Khánh Hòa cấp là không trái với các quy định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Thứ sáu, về giấy phép hoạt động truyền hình của An Viên. Tại công văn số 90/PTTH&TTĐT ngày 3.2.2012 của Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử – Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: “Quy định pháp luật về báo chí không giới hạn chỉ có các cơ quan có giấy phép hoạt động báo chí mới được phép mua, bán, chuyển nhượng bản quyền các chương trình truyền hình, bao gồm cả các chương trình thể thao”.
Như vậy, việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá thuộc VFF giai đoạn 2011-2030 với An Viên không phụ thuộc vào giấy phép hoạt động truyền hình.
Thứ bảy, về nội dung của hợp đồng.
- Về thời hạn hợp đồng: Từ khi hợp đồng được thực hiện, thời lượng phát són trực tiếp các trận bóng đá năm 2011 tăng hơn 200% so với năm 2010, từ 148 trận năm 2010 lên 345 trận năm 2011, trong đó có cả các kênh truyền hình quảng bá. Như vậy, người hâm mộ đang có lợi, vì có nhiều sự lựa chọn xem truyền hình trực tiếp các trận thi đấu bóng đá trong nước, trên kênh truyền hình quảng bá hoặc kênh truyền hình có thu tiền.
Các quy định của pháp luật của Việt Nam về dân sự, thương mại, chưa thấy có quy định nào giới hạn về thời hạn của hợp đồng. Đó đó, căn cứ vào nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng được quy định tại Điều 4 và Điều 389 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì thỏa thuận thời hạn 20 năm về chuyển nhượng thương quyền bóng đá giữa VFF và An Viên là không trái pháp luật.
- Về một số nội dung khác của hợp đồng. Kết luận thanh tra chỉ ra 4 điểm, trong đó đáng chú ý như hợp đồng quy định việc tính phí theo kết quả kinh doanh bằng một công thức phức tạp, gây khó khăn trong việc thực hiện;
Trong hợp đồng có các thỏa thuận về quyền tương lai mà VFF có được một phần hoặc toàn bộ quyền sở hữu của các giải bóng đá khác, ngoài các giải được liệt kê tại Phụ lục 1 của hợp đồng. Đối với thỏa thuận này, các bên cần thỏa thuận bằng một văn bản khác, không được tự động cập nhật, bổ sung vào Phụ lục 1 của hợp đồng;
Việc giải quyết tranh chấp hợp đồng, VFF và An Viên thỏa thuận là sẽ được giải quyết tại Tòa án Nhân dân TP Hà Nội nhưng Điều 62, Điều lệ VFF quy định VFF không được đưa bất cứ tranh chấp nào liên quan đến bóng đá ra tòa án trong hệ thống Nhà nước. Như vậy, VFF và An Viên xem xét điều khoản này theo hướng giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, nếu thương lượng không thành thì được giải quyết tại Tòa Trọng tài Thể thao (CAS) đặt tại Thụy Sỹ.
Hợp đồng đã thực hiện được một mùa giải 2011, An Viên đã thanh toán đủ số tiền 6 tỷ đồng cho VFF. Phí theo kết quả kinh doanh (20% lợi nhuận) An Viên chưa thanh toán cho VFF nhưng thời hạn thanh toán phí theo kết quả kinh doanh năm 2011 là ngày 31.3.2012.
VFF đã chuyển tiền bản quyền truyền hình cho CLB Navibank Sài Gòn, còn lại các CLB khác, sau khi đối chiếu công nợ, VFF sẽ chuyển tiền tiếp.
Theo nhận xét của thanh tra, năm 2011, các bên đã thực hiện tốt hợp đồng, góp phần phổ biến hình ảnh các giải bóng đá trong nước đến nhiều người hâm mộ hơn. Điều này cũng giúp VFF nâng cao giá trị của các giải bóng đá trong nước.
Tại thời điểm thanh tra, VFF chưa ký Hợp đồng giao quyền khai thác thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cho Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Như vậy, về mặt pháp lý, VPF chưa được pháp luật công nhận là đơn vị khai thác thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp năm 2012.
Từ những căn cứ nêu trên, Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL kết luận: Việc ký kết hợp đồng giữa VFF và An Viên được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, được pháp luật thừa nhận. Tuy nhiên có một số nội dung chưa phù hợp (phần nội dung khác của hợp đồng nêu trên) nhưng những nội dung này không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại của hợp đồng.
Kết luận thanh tra kiến nghị VFF và An Viên thực hiện nghiêm túc các điều khoản của hợp đồng. Đối với các nội dung chưa phù hợp nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại của hợp đồng, hai bên cần trao đổi thống nhất cho phù hợp với điều kiện thực tế và các quy định tại khoản 1, Điều 12 Nghị định 112/2007/NĐ-CP ngày 26.6.2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thể dục thể thao.
VFF yêu cầu VPF, các CLB, các ban tổ chức địa phương thực hiện nghiêm túc hợp đồng giữa VFF và An Viên. VFF có văn bản đề nghị các đài truyền hình tôn trọng hợp đồng mà VFF đã ký với An Viên.
Kiến nghị Tổng cục Thể dục Thể thao tăng cường công tác quản lý Nhà nước, chỉ đạo Sở VH-TT&DL các địa phương có đội bóng tham gia và có văn bản đề nghị các đài truyền hình, đảm bảo hiệu lực của hợp đồng giữa VFF và An Viên.
Được biết, 15h30 chiều nay tại Bộ VH-TT&DL sẽ có họp báo về vấn đề này. Vào 16h15 cùng chiều, Thường trực HĐQT VPF sẽ gặp gỡ với báo chí xung quanh kết luận thanh tra này tại khách sạn Hilton Opera Hà Nội.
Nhóm phóng viên

Bộ Tư pháp khẳng định hợp đồng truyền hình VFF- AVG đúng luật

(Dân trí) – Trước giờ Bộ VH-TT-DL công bố kết luận thanh tra hợp đồng truyền hình bóng đá có thời hạn 20 năm do VFF ký với AVG (2010), Bộ Tư pháp đã có công văn xác nhận bản hợp đồng không trái luật, các thủ tục ký kết thực hiện đúng trình tự.
Sau khi nhận được công văn của Bộ VH-TT-DL về việc tham khảo ý kiến của Bộ Tư pháp về những vấn đề liên quan đến hợp đồng bản quyền VFF- AVG. Bộ Tư pháp đã có văn bản phúc đáp với 3 nội dung cơ bản.
Công văn của Bộ Tư pháp gửi Bộ VH-TT-DL

Về quyền sở hữu bản quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp, Bộ Tư pháp khẳng định VFF sở hữu là đúng dựa trên khoản 2 Điều 53 Luật Thể dục, Thể thao năm 2006: “Liên đoàn thể thao quốc gia, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác tổ chức giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp là chủ sở hữu giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp do mình tổ chức”.
Dựa trên những quy định và điều lệ của VFF, Bộ Tư pháp cho rằng VFF có đủ thẩm quyền chuyển nhượng quyền sở hữu đối với các giải bóng đá chuyên nghiệp thuộc sở hữu của VFF, trong đó có bản quyền truyền hình.
Công văn của Bộ Tư pháp cũng nêu rõ: Theo điều 75 Điều lệ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (sửa đổi, bổ sung) năm 2010 có quy định Liên đoàn Bóng đá Việt Nam là cơ quan duy nhất được trao quyền cho các đối tác về phân phối hình ảnh, âm thanh và những dữ liệu khác của các trận bóng cũng như các sự kiện hoạt động bóng đá do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức và không có bất kỳ giới hạn nào về nội dung, thời gian, địa điểm, các vấn đề kỹ thuật và pháp lý.
Theo khoản 2 Điều 74 của Điều lệ sửa đổi cũng quy định Ban Chấp hành Liên đoàn quyết định phương thức và mức độ sử dụng những quyền được quy định ở khoản 1 Ðiều 74, đồng thời đưa ra các quy định đặc biệt cho mục đích này. Ban chấp hành có quyền quyết định sử dụng độc quyền các quyền trên hoặc liên kết với một bên thứ ba hoặc hoàn toàn thông qua bên thứ ba.
Về thời hạn ký kết hợp đồng kéo dài 20 năm (2011- 2030), Bộ Tư pháp kết luận thỏa thuận thời hạn 20 năm về chuyển nhượng thương quyền bóng đá giữa VFF và AVG không trái pháp luật, thông qua việc nghiên cứu pháp luật hiện hành Việt Nam về dân sự, thương mại.
Cho đến thời điểm này, kết luận thanh tra vẫn được giữ kín nhưng nội dung mà đoàn thanh tra đưa ra được dự đoán không khác nhiều so với ý kiến Bộ Tư pháp gửi Bộ VH-TT-DL. Đoàn thanh tra cho rằng ban chấp hành VFF là đại diện được CLB ủy quyền, VFF đã được sự đồng ý của ban chấp hành VFF trước khi đàm phán và ký kết hợp đồng truyền hình với AVG. Sau khi ký hợp đồng bán bản quyền cho AVG, số lượng các trận đấu của giải bóng đá chuyên nghiệp VN tốt hơn so với trước kia…
Điểm duy nhất đoàn thanh tra Bộ VH-TT-DL kết luận VFF đã vượt quá thẩm quyền khi ký kết hợp đồng 20 năm với AVG là việc chuyển giao toàn bộ thương quyền, các thông tin bên lề cho AVG, trong khi quyền này VFF không sở hữu. Thông tin bên lề được hiểu là những thông tin trực tiếp và gián tiếp đến các giải như họp báo, lễ trao giải, lễ khai mạc. Thương quyền được hiểu như là quyền ghi âm, ghi hình, sản xuất và sở hữu các bản ghi âm, ghi hình, quyền công bố, phát sóng, khai thác doanh thu dưới mọi hình thức và trên mọi phương tiện như báo hình, Internet, báo in…
Nếu không có thay đổi vào phút chót, chiều mai (16/2) Bộ VH-TT-DL sẽ công bố kết luận thanh tra tại trụ sở VFF. Cùng ngày, vào lúc 15 giờ Bộ VH-TT-DL tổ chức buổi họp báo công bố chi tiết kết luận của đoàn thanh tra sau khi đã tham khảo ý kiến của các cơ quan liên quan.
Chí Thành

“Kết hợp giữa DTT và DTH là sự lựa chọn khôn ngoan”

Ông Glen Tindall – Phó Chủ tịch phụ trách bán hàng Khu vực châu Á – Thái Bình Dương của tập đoàn đa quốc gia SES đã khẳng định như vậy trong cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu-AVG- tại Hà Nội sáng 1.2.2012. Ông Tindall cho hay: “Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền thành công trên thế giới đều cung cấp cả dịch vụ truyền hình kỹ thuật số mặt đất (DTT) và truyền hình kỹ thuật số vệ tinh (DTH). Sự kết hợp này là tốt và khôn ngoan cả về mặt công nghệ lẫn phục vụ khán giả”.
Tham dự cuộc gặp với ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị AVG, ngoài ông Glen Tindall còn có ông Donald Chew – Phụ trách bán hàng khu vực Châu Á – Thái Bình dương của SES.
Ông Glen Tindall (phải) và Ông Nguyễn Đình Thắng (trái)
Tập đoàn đa quốc gia SES có trụ sở đặt tại Mỹ, Hà Lan và là một trong những đơn vị cung cấp vệ tinh hàng đầu thế giới. Tháng 5.2010, AVG đã ký hợp đồng với SES World Skies để thuê transponder trên vệ tinh NSS6 nhằm phát triển dịch vụ truyền hình DTH.
Ông Nguyễn Đình Thắng khẳng định, AVG rất tin tưởng SES trong vai trò là đối tác cung cấp vệ tinh cho hệ thống truyền hình kỹ thuật số đa kênh của AVG. Ông Thắng cũng vui mừng thông báo về việc hệ thống đa kênh Truyền hình An Viên của AVG đã phát sóng chính thức từ tháng 11.2011 và hiện đang phát sóng tốt trên hai hệ thống là truyền hình số mặt đất (DTT) và truyền hình số vệ tinh (DTH)..
Ông G. Tindall cho biết, hiện nay vệ tinh NSS6 vẫn đang vận hành tốt và SES sẽ tiếp tục phóng thêm nhiều vệ tinh nữa trong thời gian tới. Ông G. Tindal đánh giá AVG là một đơn vị “khôn ngoan” khi kết hợp giữa truyền hình số mặt đất và truyền hình số vệ tinh để cung cấp dịch vụ truyền hình và tin tưởng rằng, với việc sử dụng công nghệ truyền hình hiện đại bậc nhất thế giới, hệ thống truyền hình An Viên của AVG sẽ mang lại cho khán giả chất lượng truyền hình tốt nhất.
Nói về sự hợp tác trong thời gian tiếp theo, hai bên đều tin tưởng vào sự hợp tác lâu dài. “AVG mong muốn SES sẽ là đối tác lâu dài và không ngừng nâng cao hơn nữa sự hỗ trợ về kỹ thuật, nghiên cứu thị trường, marketing và truyền thông… cho một đơn vị truyền hình mới mẻ như Truyền hình An Viên” – ông Thắng cho biết thêm.
Về phía SES, ông G. Tindal cũng khẳng định rằng: “Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng đang là một khu vực tiềm năng trong lĩnh vực truyền hình mà trong chiến lược phát triển sắp tới, SES mong muốn sẽ có nhiều hợp tác hơn nữa.”.
AVG

Hợp đồng VFF- AVG vi phạm luật cạnh tranh?

(Pháp Luật Việt Nam) – Các luật sư tiếp tục tranh luận “nảy lửa” xung quanh bản hợp đồng VFF và AVG. Sau khi luật sư Mai Xuân Hương “lên tiếng” trên PLVN về tính hiệu lực của bản hợp đồng, luật sư Phạm Quang Biên – Giám đốc Công ty Luật IMC đã gửi tới PLVN những ý kiến của mình xung quanh vấn đề : việc độc quyền khai thác thương quyền các giải bóng đá trong nước của AVG trong 20 năm liệu có vi phạm Luật cạnh tranh hay không?
Mua bản quyền truyền hình các giải bóng đá trong 20 năm AVG có vi phạm luật cạnh tranh?
Luật sư Phạm Quang Biên cho rằng : Nhìn ở góc độ thương mại, việc mua bán bản quyền truyền dài hạn là hết sức phổ biến ở trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực thể thao và hẳn là AVG có những tính toán và cách tiếp cận riêng khi quyết định lựa chọn độc quyền các giải bóng đá trong nước.
Trên thực tế không ít người nhận định rằng một doanh nghiệp độc quyền một sản phẩm nào đó có nghĩa là vi phạm Luật Cạnh tranh. Song nhận định này hoàn toàn không có cơ sở.
Bản chất của Luật Cạnh tranh không cấm độc quyền mà chỉ cấm hành vi độc quyền có khả năng gây phương hại tới môi trường cạnh tranh, tới doanh nghiệp trong cùng ngành nghề và tới người tiêu dùng.
Độc quyền và thống lĩnh thị trường quy định trong Luật Cạnh tranh phải được hiểu là khả năng của một doanh nghiệp trên thị trường khi kinh doanh một sản phẩm nào đó đối với người tiêu dùng, đối với đối thủ cạnh tranh được đặt trong “thị trường liên quan” với những sản phẩm có thể thay thế lẫn nhau, có tính năng sử dụng tương tự, hoặc có cùng mục đích sử dụng.
Quay lại Hợp đồng chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá thuộc quyền sở hữu của VFF, “thị trường liên quan” trong trường hợp này được hiểu là thị trường truyền hình về thể thao. Nói một cách khác, trong trường hợp người hâm mộ thể thao (ở phương diện chung) không xem bóng đá Việt Nam trên truyền hình thì có thể lựa chọn xem các môn thể thao khác như bóng rổ, bóng chuyền, quần vợt, đua xe …., đó chính là thị trường liên quan.
Ở phạm vi hẹp hơn, ngoài các giải bóng đá thuộc sở hữu VFF, người hâm mộ thể thao có thể xem các giải đấu khác hiện đang rất phổ biến như bóng đá Anh, Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Nga, Brasil và các giải đấu trong khu vực như AFF cup, AFC cup trên truyền hình….
Với thị trường liên quan rộng như vậy thì việc AVG độc quyền khai thác thương quyền một số giải đấu bóng đá trong nước trên tổng số khoảng 200 giải thể thao trong nước một năm (số liệu của Tổng cục Thể dục thể thao năm 2011) chiếm tỷ lệ không đáng kể trên thị trường liên quan. Do đó, không đủ cơ sở để nói rằng việc độc quyền của AVG là vi phạm Luật Cạnh tranh.
Bên cạnh đó, kể từ thời điểm được trao độc quyền khai thác các giải đấu bóng đá trong nước, AVG đã tạo điều kiện cho các nhà Đài vào sân ghi hình và phát sóng với mức phí hợp lý. Một minh chứng rõ ràng là sau một năm thực hiện Hợp đồng, thời lượng phát sóng trực tiếp các trận bóng đá năm 2011 tăng hơn 200% so với năm 2010, không có đơn vị nào có nhu cầu khai thác thương quyền mà không được AVG đáp ứng trong năm 2011.
Từ góc độ này có thể thấy người xem truyền hình đang được hưởng lợi vì có nhiều lựa chọn xem truyền hình trực tiếp bóng đá trong nước. Về phía các đối tác thì rõ ràng là không đối tác nào, nhà Đài nào bị ngăn cản, kìm hãm trong việc cùng khai thác thương quyền các trận bóng đá của Việt Nam.
Một số ý kiến cũng cho rằng bản thân thời hạn 20 năm của hợp đồng VFF – AVG cũng là vi phạm Luật Cạnh tranh. Từ góc độ pháp lý, không thể kết luận cảm tính như vậy vì:
Thứ nhất, Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường trong đó doanh nghiệp được khuyến khích làm những việc mà pháp luật không cấm. Ở đây cần thấy rõ là không quy định nào của pháp luật cấm các pháp nhân ký kết với nhau hợp đồng 20 năm.
Thứ hai, thực tiễn kinh doanh trong nước và quốc tế đã có nhiều tiền lệ về thời hạn hợp đồng này. Ví dụ như trang web của Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC) có đưa tin về bản hợp đồng giữa AFC và WSG với thời hạn 20 năm, sau khi kết thúc thời hạn, các bên đã ký kết gia hạn thêm 7 năm nữa.
Hay như trong nước, chỉ cần một lệnh tìm kiếm trên internet ta sẽ thấy các hợp đồng BOT xây dựng cầu, đường giữa Nhà nước và nhà đầu tư đều có thời hạn từ 20 năm trở lên, hợp đồng mua bán điện giữa Nhà máy nhiệt điện Mông Dương và EVN có thời hạn 25 năm hay như Hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam với Tập đoàn đầu khí Gazprom có thời hạn 30 năm.
Như vậy, chừng nào người xem truyền hình vẫn có nhiều sự lựa chọn để xem giải bóng đá và các giải thể thao khác nhau, các nhà Đài vẫn có nhiều lựa chọn về việc sản xuất các giải thể thao khác nhau thì việc độc quyền khai thác thương quyền các giải bóng đá trong nước của AVG không thể coi là vi phạm Luật Cạnh tranh.
Anh Phương (ghi)

Super League hay Super Liga?

(Vietnamnet) – Ý tưởng thành lập một giải đấu mới mang tên Super Liga bên cạnh giải vô địch quốc gia đã được ông Nguyễn Đức Kiên (chủ tịch CLB HN ACB) đưa ra tại cuộc họp tổng kết mùa giải 2011 ngày 8/9/2011. Ý tưởng này sau đó cũng được ông Kiên cho biết sẽ không thực hiện vì không tốt cho bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, những gì mà Super League được điều hành bởi VPF thời gian qua khiến nhiều người đặt ra giả thiết liệu rằng ông Kiên đã thực sự từ bỏ ý định đó chưa khi VPF đang lấn lướt và vượt mặt VFF trong việc điều hành và tổ chức Super League 2012.
VFF mất dần ảnh hưởng
Những ai quan tâm đến bóng đá nước nhà, đặc biệt là tại cuộc họp tổng kết giải vô địch quốc gia 2011 tổ chức ngày 8/9/2011 và tại cuộc họp giữa VFF và Chủ tịch các CLB ở V.League và hạng Nhất ngày 29/9/2011 chắc hẳn còn nhớ những tuyên bố mạnh mẽ của ông Nguyễn Đức Kiên. Bầu Kiên lúc đó còn giữ vai trò là Chủ tịch CLB HN ACB – đội vừa phải xuống hạng ở mùa bóng trước. Với những bức xúc vì nhiều nguyên nhân, tại buổi tổng kết mùa bóng 2011 đó, bầu Kiên đã tuyên bố rằng các CLB sẵn sàng rút khỏi giải vô địch quốc gia để tổ chức một giải đấu riêng với khoảng 6 CLB mang tên Super Liga.
Uy tín của VFF đang bị giảm
Ý tưởng đó không thành bởi sau đó chính ông Kiên cũng thừa nhận việc đó sẽ không tốt cho bóng đá Việt Nam. Thay vào đó là sự ra đời của Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) một cách hết sức nhanh chóng. Theo đó, từ mùa giải 2012, giải vô địch quốc gia sẽ do VPF điều hành. Theo nguyên tắc, VPF được VFF ủy quyền điều hành giải, chứ VFF không trao toàn bộ giải đấu cho các ông bầu tổ chức, quản lý. Tuy nhiên, sau khi ra đời, VPF không tỏ ra như vậy mà đang điều hành giải đấu như thể là giải Super League là giải Super Liga.
Tên giải đấu được thay đổi từ V-League sang Super League sau khi VPF được thành lập. Trong khi V-League – tên giải vô địch quốc gia – đã được định hình và phổ biến với người Việt từ hơn 10 năm nay. Chưa kể, nếu đặt riêng rẽ cái tên Super League đứng bên cạnh giải đấu của các quốc gia khác, chắc hẳn nhiều người không biết Super League thuộc về nước nào. Thông lệ đặt tên cho giải vô địch quốc gia của các nước trong khu vực châu á thường lấy chữ cái đầu tiên trong tiếng Anh đi kèm chữ League để nhận biết giải đấu thuộc nước nào như J-League (Nhật Bản), K-League (Hàn Quốc), Thái-League (Thái Lan)…
Với sự lấn lướt, vượt mặt VFF thời gian qua, nhiều người đặt câu hỏi, việc thành lập VPF để điều hành giải vô địch quốc gia liệu rằng có phải là bầu Kiên chưa từ bỏ mục đích biến V-League thành Super Liga như đã tuyên bố? Liệu ông Kiên và một số ông bầu khác vẫn muốn ly khai giải đấu khỏi sự quản lý của VFF? Đặt ra câu hỏi này là bởi suốt 3 vòng đấu đầu tiên của mùa giải 2012, VPF đã không thừa nhận thẩm quyền của VFF trong nhiều quyết định.
Nếu đúng là như vậy thì hậu quả để lại sẽ rất lớn khi nền bóng đá nước nhà bị các ông bầu lũng đoạn, giải đấu không được thừa nhận và VFF có khả năng bị FIFA trừng phạt vì giải đấu quốc gia của Việt Nam không nằm trong sự quản lý, kiểm soát của đại diện mà FIFA và các Liên đoàn bóng đá châu lục và khu vực thừa nhận là VFF.
Bài học từ Indonesia
Vấn đề được chúng tôi nêu ở trên không phải là mới mà đã xảy ra và ở ngay khu vực Đông Nam Á gần chúng ta là Indonesia. Năm 2008, một nhóm các đội bóng mạnh tại xứ vạn đảo quyết định thành lập một giải đấu riêng với tên gọi Indonesia Super League (ISL). Tuy nhiên, tới tháng 11/2011, trước áp lực quá lớn từ FIFA, Hiệp hội bóng đá Indonesia (PSSI) buộc phải gấp rút kiện toàn đội ngũ và tiến hành chiến dịch “đòi” lại giải vô địch quốc gia.
Super League đã đi qua 3 vòng đấu nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đáng nói
8 đội bóng hàng đầu tại ISL đã bị PSSI phạt nặng. 37 trọng tài tham gia điều hành ISL cũng bị cấm hoạt động bóng đá vô thời hạn. Bên cạnh đó, hai quan chức hàng đầu của ISL bị cấm hoạt động bóng đá trong vòng 3 năm. PSSI cũng tuyên bố các cầu thủ đá tại ISL sẽ không được gọi tập trung lên đội tuyển quốc gia trừ khi quay lại thi đấu cho Indonesia Premier League (IPL) – giải đấu chính thức thuộc PSSI. Trong khi đó, nhà vô địch ISL mùa trước Persipura Jayapura đã bị loại khỏi AFC Champions League do ly khai khỏi giải VĐQG Indonesia.
FIFA cũng khẳng định sẽ cấm hoạt động với tất cả các cầu thủ, quan chức (không phân biệt quốc tịch) nếu vẫn cố tình tham gia ISL. Chính những cuộc thanh trừng trong nội bộ cơ quan quyền lực nhất bóng đá Indonesia đã dẫn tới việc HLV Afred Riedl phải sớm ra đi. FIFA cũng tuyên bố, nếu tới thời hạn 20/3/2012, PSSI vẫn chưa thể dẹp yên nội loạn, cầu thủ, quan chức, trọng tài nước này đều bị “đuổi” khỏi đời sống bóng đá thế giới.
Rõ ràng, FIFA chỉ công nhận giải đấu của quốc gia nào thuộc quyền quản lý điều hành của Liên đoàn hoặc Hiệp hội bóng đá của quốc gia đó. Cũng vậy, các ông bầu tại Việt Nam hoàn toàn có quyền lập ra một giải đấu mới, ly khai khỏi VFF, nhưng có lẽ chỉ… chơi thôi thì được. Còn nếu Super League (đang thể hiện như Super Liga-quyền hành nằm trong tay các ông bầu) mà bị ly khai, tách dần khỏi sự quản lý của VFF thì đó sẽ là thảm họa cho bóng đá Việt Nam.
Nhâm Xuân

Muốn có nền bóng đá lành mạnh, phải thực hiện đúng luật

(Báo Nhân Dân) – Trong thể thao và ngay cả các trò chơi khi đã tham gia phải thực hiện nghiêm túc theo luật chơi và dần dần hoàn thiện nó. Là một môn thể thao liên quan nhiều về kinh tế, bóng đá lại càng phải tuân thủ theo pháp luật trong quản lý và tổ chức thi đấu. Tuy nhiên, thời gian qua, đã và đang nổi cộm nhiều vấn đề, trong đó thu hút sự quan tâm của dư luận là việc tranh chấp bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp.
Diễn biến sự việc
Bản quyền truyền hình bóng đá tiếp tục gây nhiều tranh cãi.
Khi Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp (VPF) chưa ra đời, mọi chuyện tổ chức các giải thi đấu bóng đá đều do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thực hiện. Với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, VFF đã ký hợp đồng chuyển nhượng bản quyền truyền hình bóng đá với Công ty Truyền thông – Viễn thông An Viên (AVG). Thực tế lúc đó ý tưởng về thành lập VPF chưa hề có với VFF cũng như dư luận.
Sau một thời gian chuyển đổi sang hướng chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam vẫn gần như giậm chân tại chỗ và đầy rẫy các vụ việc tiêu cực khiến người hâm mộ cả nước và dư luận chán nản. Hợp đồng chuyển nhượng bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp giữa VFF và AVG đã ra đời trong lúc ấy. Nhìn lại chúng ta thấy, khi đó, VFF đang bị công luận mổ xẻ quá nhiều nên đã quyết định báo cáo cơ quan chủ quản là Tổng cục Thể dục – Thể thao và báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về chủ trương chuyển nhượng bản quyền truyền hình các giải bóng đá với giá chuyển nhượng và thời gian chuyển nhượng cụ thể cho AVG. Từ báo cáo và đề xuất của VFF, chủ trương này đã nhận được sự đồng ý của cơ quan chủ quản và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Ngày 6-12-2011, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp (VPF) ra đời với các ý tưởng đề ra khá tốt đẹp. Tuy nhiên, khi chưa kịp có những động thái cần thiết để môn thể thao “vua” thật sự là thể thao “vua” chứ không phải là trò chơi của những bạo hành trên sân cỏ, của những vụ án bán độ và nghi án bán độ, VPF đã vội vã làm dư luận sôi lên với cuộc tranh chấp bản quyền truyền hình bóng đá do VFF ký với AVG mà nhiều người gọi là một vụ “lật kèo” ngoạn mục. Ngày 29-12-2011, VPF chính thức tuyên chiến bằng việc “cho phép Ðài Truyền hình Việt Nam (VTV) và các đơn vị truyền hình trực thuộc VTV được tuyên truyền, truyền hình trực tiếp và phát lại các trận bóng đá” của các giải: Ngoại hạng quốc gia, hạng nhất quốc gia, Cúp quốc gia, Siêu Cup quốc gia từ năm 2012. Sau động thái này, ba “ông” VFF, VPF và AVG liên tục lên tiếng về bản quyền truyền hình bóng đá và xem ra VPF bức xúc nhất, trong khi VFF ngượng ngập và xấu hổ với đối tác, còn AVG thì quá tự tin: trình tự đàm phán, đối tác đã báo cáo cơ quan chủ quản, nội dung chuyển nhượng bản quyền, v.v đều phù hợp pháp luật.
Ngày 4-1-2012, thay vì gửi đơn tranh chấp đến tòa án để chờ tài phán thì VPF gửi công văn đến ba bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tư pháp và Thông tin – Truyền thông. Trước đó, ngày 3-1, AVG cũng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra, làm rõ những vấn đề liên quan đến bản hợp đồng nói trên nhằm có thông tin khách quan và chính xác cung cấp cho công luận. Sau đó, ngày 9-1-2012. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định thành lập Ðoàn thanh tra và tổ chức thanh tra việc ký hợp đồng chuyển nhượng bản quyền VFF và AVG.
Sau khi Văn phòng Chính phủ và Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo thanh tra hợp đồng bản quyền truyền hình; chỉ đạo giải quyết các vướng mắc, để bảo đảm Giải bóng đá quốc gia được các Ðài truyền hình trực tiếp, liên tục, rộng rãi cả nước, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Tuy nhiên, rất vội vàng, thông tin chỉ đạo này đã được lãnh đạo VPF hiểu khác đi và ngay lập tức Hợp đồng chuyển nhượng bản quyền truyền hình bóng đá giữa VFF và AVG bị “lật kèo” bằng hành động VPF “cho phép” ngay các đài truyền hình khác vào sân để truyền hình trực tiếp những trận bóng đá mới nhất của vòng ba Giải Super League 2012. Với hành động này, nếu được thực hiện thì đơn vị đang nắm giữ bản quyền truyền hình là AVG đã bị “cướp trắng” bản quyền ngay trên tay.
Nhận định dưới góc nhìn pháp luật
Theo nguyên tắc, các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội chỉ được thực hiện các hành vi mà pháp luật cho phép và thực hiện các hành vi đó theo một trình tự pháp luật quy định, nhưng chuyện tranh chấp bản quyền truyền hình bóng đá giữa VPF và AVG không được thực hiện bằng nguyên tắc nói trên.
Hợp đồng chuyển nhượng bản quyền giữa VFF và AVG thực tế đã bị vi phạm bằng một hành vi cố ý làm trái, vi phạm pháp luật của một số người. Ðó là hành vi xâm phạm hoạt động kinh tế bình thường bằng một hành vi cố ý làm trái. Sự tranh chấp này càng nóng thì VFF càng nhọc lòng bởi như có người đã ví von “VFF giống như hạt thóc nằm giữa hai thớt cối xay, thớt nào quay thì hạt thóc cũng trật vỏể. VFF vừa phải chống đỡ với Công ty VPF mà VFF cũng là một sáng lập viên và là nhà đầu tư chiến lược của VPF, vừa phải chống đỡ với đối tác AVG, nếu đối tác khởi kiện. Chính vì vậy, dư luận cho rằng, VFF nên chủ động hành động đúng luật chứ cứ bị động theo kiểu hai tay trong tư thế “đứng làm hàng rào chịu phạt” thì mãi mãi là nghi can.
Trong khi đó, AVG được mô tả như người mua buôn, bán lẻ sẽ chịu rủi ro mang tính đô-mi-nô là vi phạm hợp đồng với trên dưới một triệu khách hàng mà AVG đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ. Nếu tỉnh táo, nhìn nhận một cách khách quan sẽ thấy, đó là AVG dùng tiền của chính họ để mua bản quyền, tổ chức sản xuất, cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Dư luận cho rằng, có một cách hành xử rất văn hóa, theo đúng pháp luật, đó là VFF và VPF cần ngồi bàn thảo với nhau để thống nhất ý chí. Và đây cũng là cách duy nhất để VPF thay đổi hợp đồng theo ý muốn (việc thay đổi hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí của AVG). Sau khi VFF – VPF thống nhất ý chí thì VFF đàm phán thay đổi từng phần trong hợp đồng chuyển nhượng hoặc chuyển quyền cho VPF đàm phán với AVG. VPF không mặc nhiên có quyền đàm phán kể cả khi VFF chuyển quyền mà còn phụ thuộc vào việc AVG có đồng ý chấp nhận sự chuyển quyền đó không. Trong khi tất cả những chuyện trên chưa xảy ra, các bên không ai có quyền thay đổi hợp đồng hoặc ngăn chặn việc thực hiện hợp đồng.
QUANG VŨ và PHONG CƯỜNG

AVG lại lên tiếng về bản quyền truyền hình

(Vietnamnet) – AVG vừa chính thức lên tiếng về bản quyền truyền hình. Ông Hoàng Xuân Bắc – Phó giám đốc Công ty Truyền thông An Viên (AVG) đã trả lời phỏng vấn báo chí xung quanh việc này.
Thưa ông, vừa qua đã có một số luật sư cho rằng VFF đã vi phạm Luật Dân sự khi ký hợp đồng bản quyền truyền hình với AVG, phía AVG có ý kiến gì về chuyện này?
AVG nói rằng họ đang nỗ lực để việc tranh chấp bản quyền truyền hình không ảnh hưởng đến NHM
Ông Hoàng Xuân Bắc: – Đã đến lúc vấn đề thương quyền truyền hình giữa VFF và AVG cần được nhìn nhận dưới góc độ pháp lý một cách tỉnh táo trên cơ sở hiểu biết pháp luật và tinh thần thượng tôn pháp luật.
Vừa qua, trên báo chí có đăng ý kiến của một vị luật sư cho rằng VFF đã vi phạm Luật Dân sự khi ký hợp đồng thương quyền với AVG. Tuy nhiên, khi đọc vào nội dung bài viết thì thấy luật sư này đề cập đến vấn đề này khá tổng thể. Không chỉ phân tích vấn đề từ góc độ Luật Dân sự, vị luật sư còn dẫn chiếu cả Luật Thương mại, Luật Thể dục thể thao, Luật Báo chí, Luật Đấu thầu. Để có ý kiến vào từng luận điểm mà luật sư nêu ra sẽ cần nhiều thời gian hơn một cuộc phỏng vấn. Tuy nhiên, ý kiến ban đầu của tôi là đã có sự nhầm lẫn nghiêm trọng về khái niệm và thuật ngữ pháp lý. Cụ thể ở đây là sự nhầm lẫn giữa thương quyền truyền hình (là quyền khai thác thương mại đối với các trận đấu bóng đá) và nhượng quyền thương mại (là quyền kinh doanh hàng hóa, dịch vụ dưới tên và nhãn hiệu thương mại của người khác).
Còn việc Nguyễn Đức Kiên (Phó Chủ tịch VPF) không thừa nhận tính pháp lý của hợp đồng giữa VFF và AVG là khi ký hợp đồng với VFF, AVG chưa có giấy phép hoạt động truyền hình, nên việc ký hợp đồng này là không có hiệu lực, vậy ý kiến của AVG ra sao?
- Đối tượng của hợp đồng giữa VFF và AVG là quyền khai thác thương mại trên các phương tiện truyền thông đối với các trận đấu bóng đá do VFF tổ chức. Đây không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên chỉ cần đăng ký theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Thực tế cho thấy khi FPT mua bản quyền World Cup 2006 rồi bán lại cho VTV, VTC thì FPT đâu cần phải là đài truyền hình. Hiện nay, MP&Silva cũng đang là đơn vị phân phối bản quyền giải ngoại hạng Anh tại Việt Nam. Nếu cách hiểu của luật sư nói trên là đúng thì MP&Silva phải là đài truyền hình mới được bán bản quyền các trận bóng đá Anh cho VTV và các đài truyền hình khác tại Việt Nam. Tôi không hiểu vị luật sư có định nói là hợp đồng MP&Silva bán bản quyền bóng đá Anh cho VTV là vô hiệu hay không.
Một số ông bầu ở VPF nói rằng họ làm bóng đá và muốn sở hữu bản quyền truyền hình vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam và AVG cũng vậy. Nếu thật lòng vì bóng đá Việt Nam, tại sao các bên không cùng ngồi lại để thảo luận, cùng nhau giải quyết những khúc mắc?
- AVG không có ý định nói nhiều về những gì đã làm cho bóng đá Việt Nam vì quả thực những gì đã làm vẫn chưa được như mong muốn của chúng tôi. Theo hợp đồng giữa VFF và AVG thì AVG có trách nhiệm đẩy mạnh truyền thông cho bóng đá Việt Nam. Kết quả năm đầu tiên AVG đứng ra phân phối bản quyền là số trận đấu bóng đá được truyền hình trực tiếp đã tăng lên đáng kể (từ 148 trận năm 2010 lên 345 trận năm 2011). Còn bóng đá Việt Nam có thu hút được nhiều đơn vị tài trợ nữa hay không còn phụ thuộc vào chất lượng của từng giải đấu, vào công tác tổ chức điều hành, vào chất lượng của trọng tài, vào an ninh trật tự trên khán đài của từng trận đấu, vào tinh thần fair play của các cầu thủ… Chúng tôi có tâm nguyện được đóng góp cho sự quảng bá bóng đá Việt Nam nên sẵn sàng ngồi lại với các bên liên quan để thống nhất cách thức hỗ trợ bóng đá Việt Nam phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, không phải như cách mà một số cá nhân đã làm với chúng tôi trong thời gian qua.
Vậy dựa vào đâu mà AVG ký hợp đồng kéo dài 20 năm với VFF?
- Nếu có thời gian để tìm hiểu thêm thì các hợp đồng hợp tác dài hạn trong lĩnh vực thể thao không phải là hiếm. Gần chúng ta nhất là Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC) đã ký hợp đồng bản quyền 20 năm với World Sport Group (WSG) từ năm 1993 đến 2013. Ngoài ra có thể kể đến các hợp đồng hợp tác dài hạn khác trong lĩnh vực thể thao giữa liên đoàn và các công ty truyền thông như giải hockey của Mỹ, giải đua xe đạp vòng quanh nước Pháp, giải quần vợt Wimbledon…
Các cơ sở khác để quyết định ký kết hợp đồng dài hạn thì chúng tôi đã nói đến quá nhiều lần trong các cuộc họp báo trước đây rồi nên xin phép không nhắc lại.
Luật thể thao có điều khoản nói về sở hữu các giải đấu, trong đó các CLB là đồng sở hữu giải đấu với liên đoàn. Như vậy, khi ký hợp đồng với VFF, AVG có yêu cầu VFF chứng minh được rằng các CLB cũng đồng ý bán thương quyền truyền thông cho AVG?
- AVG và VFF cùng nghiên cứu rất kỹ Luật Thể dục Thể thao và Điều lệ của Liên đoàn. Không có điều nào trong Luật Thể dục thể thao nói VFF và các CLB là đồng sở hữu giải đấu. Khoản 2 Điều 53 Luật Thể dục thể thao quy định rằng giải đấu do Liên đoàn tổ chức thì Liên đoàn là chủ sở hữu; giải do các câu lạc bộ tổ chức thì các câu lạc bộ là chủ sở hữu; giải do tổ chức, cá nhân tổ chức thì tổ chức, cá nhân đó là chủ sở hữu.
Những rắc rối về câu chuyện bản quyền truyền đã ít nhiều ảnh hưởng đến người xem, vậy AVG giải pháp nào để giải quyết những khúc mắc này?
- AVG và VFF đang là đối tác của nhau trước khi VPF xuất hiện. AVG và VPF chưa từng có quan hệ pháp lý gì với nhau. Tuy vậy, AVG vẫn gửi văn bản thông báo hướng giải quyết câu chuyện bản quyền cho VFF và VPF. Nhưng rốt cuộc, AVG đã không nhận được thiện chí của VPF, thậm chí chỉ nhận được những vi phạm trắng trợn của một số cá nhân trong đó. Cũng cần nói thêm rằng AVG không cần chờ VPF ra đời như ngày hôm nay để hành động vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam. AVG đã có chương trình hành động cụ thể cho bóng đá Việt Nam và Thể thao Việt Nam nói chung từ lâu rồi. Cho đến ngày hôm nay, AVG vẫn đang đi theo kế hoạch hành động đó. Hiện nay VPF đã có công văn gửi ba Bộ là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông. Cũng theo báo đăng thì VPF đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bây giờ, chúng ta phải đợi kết quả làm việc của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và kết luận cuối cùng của các cơ quan này.
Quốc Long (thực hiện)

Bầu Kiên thực sự muốn gì?

(Bee.net.vn) – Những diễn biến về vấn đề bản quyền truyền hình giữa AVG -VPF thời gian qua khiến nhiều người đặt câu hỏi về mục đích của bầu Kiên có thực vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam và vì người hâm mộ?
Đặt ra những câu hỏi đấy là bởi, VPF từ khi thành lập chưa chứng minh được những điều mà những ông bầu khai sinh ra nó đã nói, cụ thể là cải tiến giải bóng đá vô địch quốc gia. Điều mà người ta đang thấy rõ là sự lộng quyền, vượt mặt của bầu Kiên với VFF với kiểu “vỗ mặt xưng tên” rằng: Tôi khai sinh ra VPF thì tôi có quyền làm bất cứ điều gì mà tôi muốn.
Vì sao bầu Kiên quan tâm đến bản quyền truyền hình?
Kể từ khi ra đời, VPF gây khá nhiều ồn ào! Không phải là ồn ào tốt đẹp về một mùa giải mới hấp dẫn, trong sạch, không có bạo lực mà mấy ông bầu khi thành lập VPF đã nói. Trái lại, trải qua ba vòng đấu, Super League (trước là V-League) xảy ra rất nhiều bất cập từ công tác tổ chức đến công tác trọng tài.
Đã có pháo sáng bị ném xuống khán đài và xuống cả vị trí của ban huấn luyện đối phương (trận Vicem Hải Phòng – Navibank Sài Gòn trên sân Lạch Tray). Đã có bạo lực cả trong và ngoài sân cỏ. Đã có hành hung trọng tải (trận Hà Nội T&T gặp SLNA, vòng 3 Super League). Đã có những lời phàn nàn về sự yếu kém của trọng tài điều khiển các trận đấu, rồi tình trạng nợ lương của trọng tài vẫn diễn ra. Những bất cập từ những mùa giải trước dường như chưa thấy được cải thiện.
Điều này trái hẳn với những gì mà bầu Kiên và những ông bầu sáng lập ra VPF phát biểu về sự ra đời của VPF. Mới có ba vòng đấu mà bạo lực đã diễn ra, không biết khi kết thúc 26 vòng đấu, những bất cập tồn tại từ những mùa giải trước sẽ như thế nào? VPF có thể giải thích rằng, muốn có một mùa giải sạch thì cần sự hợp tác của nhiều bên. Điều đó có thể đúng nhưng có một việc rõ ràng đang diễn ra là VPF đang mất quá nhiều thời gian để tranh cãi về bản quyền truyền hình mà lơ là công tác tổ chức mùa giải mới.
Về vấn đề bản quyền truyền hình, bầu Kiên và một số thành viên VPF đang vẽ nên một bức tranh sáng nếu VPF được nắm bản quyền này. Vì cố lấy bằng được miếng bánh bản quyền mà ông Kiên viện dẫn ra những lý do để quy bản hợp đồng giữa AVG và VFF có sai phạm để “đòi lại công bằng cho bóng đá VN”. Phía VPF đưa ra những luận điểm nào là VFF chưa xin ý kiến các CLB, nào là vi phạm Luật Báo chí khi VFF ký với AVG mà AVG chưa có giấy phép hoạt động truyền hình. Hai lý do này thời gian qua đã được các bên liên quan và các luật sư am hiểu luật pháp lý giải. VFF ký hợp đồng bản quyền truyền hình khi đã xin ý kiến của các CLB và đã thông qua tại đại hội Ban chấp hành VFF. VFF cũng đã xin ý kiến chỉ đạo của Bộ VHTTDL và đã được Bộ đồng ý. Còn việc quy AVG vi phạm Luật Báo chí thì những người am hiểu luật sẽ cười tủm ông bầu này chưa rành luật. Ông Kiên không biết là giấy phép hoạt động truyền hình và bản quyền truyền hình là hai điều khác nhau. Năm 2006, FPT đã mua được bản quyền truyền hình World Cup và đã bán lại cho các Đài truyền hình trong nước.
Với lý do “vì sự phát triển của bóng đá VN”, nhằm phục vụ người hâm mộ, ông Kiên đã kéo được khá đông dư luận về phía mình trong vụ bản quyền truyền hình nóng bỏng thời gian qua bởi người hâm mộ đã chán ngán với những yếu kém của VFF. Tuy nhiên, trong cuộc chiến bản quyền truyền hình này, ông Kiên không biết hay cố tình không biết ở mùa giải trước khi AVG có bản quyền truyền hình V-League, số trận đấu được tường thuật đã tăng lên khá nhiều. Điều đó chẳng phải đã mang lại lợi ích cho người hâm mộ hay sao? Thống kê cho thấy, mùa bóng 2011, đã có tổng cộng 345 các trận đấu được truyền hình trực tiếp, tăng 133% so với năm 2010. Sang mùa bóng 2012, AVG chia sẻ sóng miễn phí cho các đài truyền hình thông sóng với AVG. Ai cũng thấy đây là sự tiến bộ đi lên trong việc truyền hình ảnh của giải vô địch quốc gia tới khán giả truyền hình, trừ bầu Kiên.
Nếu ông Kiên làm bóng đá thực sự vì muốn bóng đá VN phát triển, thực sự muốn phục vụ người hâm mộ thì chắc đã không có những việc làm không đúng mực như thời gian qua. Việc ông Kiên tuyên bố sai lệch chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề bản quyền khi tự ý cho phép các đài vào sân tự do ghi hình mà không cần hỏi ý kiến của AVG – đơn vị đang nắm bản quyền hợp pháp – là hành động coi thường pháp luật. Tuyên bố này của ông Kiên cộng với công văn số 40 mà VPF gửi các Đài truyền hình về việc cho phép các đài ghi hình, tường thuật cũng gián tiếp vô hiệu hóa công văn của Bộ VH-TT và DL chỉ đạo giải quyết vấn đề bản quyền truyền hình trước đây. Với VFF, không cần nói, người ta đã thấy, tổ chức cao nhất của bóng đá Việt Nam đã bị VPF qua mặt.
Rõ ràng, những việc ông Kiên đang làm chưa đem lại gì cho bóng đá VN mà chỉ gây nên sự rối loạn trong một nền bóng đá vẫn tồn tại nhiều bất cập. Người ta đang hỏi không biết ông Kiên thực sự muốn gì khi cố ăn thua chuyện bản quyền truyền hình với AVG. Ông Kiên là một doanh nhân làm kinh tế nên nhiều người cho rằng, lợi nhuận kinh tế có thể sẽ là cái đích cuối cùng mà ông bầu này muốn đạt được. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng ông Kiên muốn nắm bản quyền truyền hình bóng đá để “đón trước” đề án cá cược thể thao mà các cơ quan chức năng đang nghiên cứu – cái đề án mà nếu được đưa vào thực tiễn thì với tư cách “3 trong 1”: vừa là ông bầu, vừa là nhà điều hành giải đấu, vừa là người nắm giữ bản quyền truyền hình, một số vị lãnh đạo VPF có nhiều cơ hội thu bội tiền (?).
Đức Nhân

“Các bên cần tôn trọng hợp đồng giữa VFF và AVG”

(Bee.net.vn) – Vừa qua dư luận nêu một số nghi vấn liên quan đến Hợp đồng chuyển nhượng thương quyền giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty AVG. Những ý kiến nêu vấn đề này có hợp lý không? Bee.net.vn trao đổi với Luật sư Trần Vũ Hải xung quanh vấn đề này.
Luật sư Trần Vũ Hải
Thưa ông, theo ông thì VFF có bán rẻ thương quyền cho AVG không?
Theo như ông Nguyễn Lân Trung (Phó Chủ tịch VFF) trước khi ký HĐ VFF-AVG, năm 2010 VFF chỉ bán được bản quyền truyền hình với giá trị khoảng 3,9 tỷ đồng. Năm 2011, sau khi ký hợp đồng này, AVG đã thanh toán 6 tỷ đồng (tăng gấp 1,5 lần so với trước)
Theo như VFF và AVG thông báo ngoài việc tăng luỹ tiến số tiền 10% hàng năm, AVG còn chia 20% lợi nhuận từ việc kinh doanh của AVG liên quan đến thương quyền này hàng năm cho VFF.
Như vậy được hiểu là VFF và AVG đang cùng khai thác thương quyền truyền hình và VFF không bị thiệt thòi gì trong hợp đồng này.
Thời hạn của hợp đồng là vấn đề khiến nhiều người băn khoăn, vì 20 năm là khoảng thời gian dài, trong khi nhiệm kỳ của Ban chấp hành VFF chỉ là 4 năm?
Luật pháp Việt Nam và Điều lệ VFF không hạn chế thời hạn hợp đồng về chuyển nhượng thương quyền, có nghĩa thời hạn này theo sự thỏa thuận của lãnh đạo VFF và AVG. Thực tế AFC (Liên đoàn bóng đá châu Á) đã ký thỏa thuận độc quyền thương mại với WSG với thời hạn lên tới 20 năm (1993-2013) và năm 2009 đã gia hạn thỏa thuận này tới năm 2020.
Sau khi Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) ra đời, thì họ cho rằng họ là chủ sở hữu giải Super League, đương nhiên là chủ sở hữu bản quyền truyền hình liên quan đến giải này. Vì vậy nên VPF không cần kế thừa HĐ VFF-AVG?
Theo Luật Thể dục thể thao (Điều 52 khoản 1, Điều 53 khoản 2, Điều 71 khoản 7) và Điều lệ của VFF (Điều 4 khoản 14, Điều 72 khoản 1, Điều 75), VFF là cơ quan tổ chức, quản lý Giải vô địch bóng đá Quốc gia, giải bóng đá chuyên nghiệp khác và là chủ sở hữu các quyền phát sinh từ các giải đấu đó (trong đó có quyền ghi hình, truyền hình,…). VPF không phải là chủ sở hữu Giải vô địch bóng đá Quốc gia (hiện mang tên Super League), chỉ là đơn vị được VFF ủy quyền để tổ chức, điều hành, khai thác các quyền thương mại của các giải bóng đá chuyên nghiệp thuộc VFF. Do đó, đương nhiên VPF có trách nhiệm kế thừa các hợp đồng mà VFF đã ký kết và đang có hiệu lực liên quan đến các giải bóng đá chuyên nghiệp, trong đó có HĐ VFF-AVG. VPF cho rằng mình là chủ sở hữu giải Super League là phủ nhận vị trí pháp lý của VFF đã được Luật Thể dục Thể thao và Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) công nhận, có thể sẽ bị đánh giá là tổ chức ly khai khỏi VFF.
Quay trở lại thời điểm ký hợp đồng, VFF đã không hỏi ý kiến và nhận sự ủy quyền của các Câu lạc bộ chuyên nghiệp (CLBCN). Liệu hợp đồng có bị vô hiệu vì điều này?
Theo Điều lệ của VFF, được các thành viên trong đó có các CLBCN thông qua, được xây dựng theo hướng dẫn của FIFA, được Bộ Nội vụ Việt Nam phê duyệt ngày 19/3/2010. Điều lệ này có giá trị như một thỏa thuận giữa VFF và các thành viên, được FIFA và Pháp luật Việt Nam bảo hộ. Về bản quyền truyền hình, Điều lệ này qui định như sau:
“Điều 74. Các quyền lợi
1. VFF và các thành viên là những chủ sở hữu đầu tiên của tất cả các quyền lợi xuất phát từ các giải đấu và các sự kiện khác diễn ra trong phạm vi quyền hạn của các tổ chức này mà không có sự giới hạn nào về nội dung, thời gian, địa điểm và luật lệ. Những quyền lợi này bao gồm tất cả các quyền lợi về tài chính, ghi hình và ghi âm, bản quyền truyền hình và tường thuật,…
2. BCH quyết định phương thức và mức độ sử dụng những quyền trên đồng thời đưa ra các quy định đặc biệt cho mục đích này. BCH có quyền quyết định sử dụng độc quyền các quyền trên hoặc liên kết với một bên thứ ba hoặc hoàn toàn thông qua bên thứ ba.”
Như vậy các qui định trên của Điều lệ VFF đã khẳng định: các thành viên (trong đó có các CLBCN) thông qua Điều lệ giao quyền cho Ban chấp hành (BCH) quyền quyết định về bản quyền truyền hình của các giải đấu (bao gồm cả giải bóng đá chuyên nghiệp). BCH VFF đã quyết định hợp tác với AVG về bản quyền truyền hình. Mặt khác, Nghị quyết Đại hội thường niên của VFF năm 2010 đã chấp thuận hợp tác về bản quyền với AVG. Đại diện các CLBCN là thành viên của VFF, đương nhiên có quyền tham dự Đại hội thường niên của VFF, đã tham gia thông qua Nghị quyết này. Nếu các CLBCN có ý kiến phản đối thì có quyền gửi văn bản khiếu nại đến VFF theo đúng quy định. Nhưng không có bất kỳ văn bản khiếu nại nào gửi đến VFF theo đúng qui định của VFF. Như vậy lập luận các CLBCN không ủy quyền cho VFF là không chính xác, vì với việc thông qua Điều lệ của VFF, các CLBCN đã ủy quyền cho BCH VFF quyết định về vấn đề bản quyền truyền hình.
Thực tế các qui định của FIFA, AFC đều giao cho BCH các Liên đoàn này quyết định các vấn đề liên quan để trao quyền thương mại, mà không cần hỏi ý kiến các thành viên (Liên đoàn bóng đá từng quốc gia). VFF không thể nại ra rằng do chưa được hỏi ý kiến để hủy các hợp đồng do FIFA hoặc AFC đã ký với các đối tác.
Số trận đấu được truyền hình trực tiếp ngày càng tăng sau khi VFF ký HĐ với AVG
Một số ý kiến cho rằng VFF đã vi phạm các luật như Luật đấu thầu và Luật cạnh tranh khi ký hợp đồng này. Ý kiến của ông thì sao?
Việc VFF chuyển nhượng thương quyền cho AVG không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Đấu thầu (qui định tại Điều 1 và Điều 2 của Luật này), nên VFF không thể vi phạm Luật đấu thầu.
Hợp đồng này cũng không vi phạm điều khoản nào của Luật cạnh tranh. AVG là đơn vị mua thương quyền của VFF, khai thác, sử dụng và bán lại thương quyền này. Thực tế các đài truyền hình lớn như VTV, VTC đều có thể mua quyền phát sóng sạch, các đài địa phương có thể được phát sóng miễn phí.
Còn một điều nữa đó là việc AVG chưa được cấp giấy phép sản xuất chương trình truyền hình nên HĐ VFF-AVG có thể bị vô hiệu. Điều này có đúng không?
Thực tế, AVG đã được cấp đăng ký kinh doanh ngành nghề: Hoạt động sản xuất chương trình truyền hình, Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác còn lại chưa được phân vào đâu (chi tiết: mua bán, nhận chuyển nhượng bản quyền các chương trình khoa học kỹ thuật, sự kiện trong các lĩnh vực giải trí, thể thao, văn hóa xã hội, ca nhạc).
Như vậy họ có đủ điều kiện để mua bán và khai thác bản quyền truyền hình, họ có thể tự sản xuất hoặc ủy quyền cho doanh nghiệp khác sản xuất chương trình truyền hình.
Mùa giải năm 2011, sự hợp tác giữa VFF và AVG đã diễn ra suôn sẻ. Hợp đồng giữa VFF và AVG được pháp luật Việt Nam bảo hộ, các bên liên quan cần tôn trọng.
Xin cảm ơn Luật sư!
Thanh Hải