(Vietnamnet) – AVG vừa chính thức lên tiếng về bản quyền truyền hình. Ông Hoàng Xuân Bắc – Phó giám đốc Công ty Truyền thông An Viên (AVG) đã trả lời phỏng vấn báo chí xung quanh việc này.
Thưa ông, vừa qua đã có một số luật sư cho rằng VFF đã vi phạm Luật Dân sự khi ký hợp đồng bản quyền truyền hình với AVG, phía AVG có ý kiến gì về chuyện này?
Ông Hoàng Xuân Bắc: – Đã đến lúc vấn đề thương quyền truyền hình giữa VFF và AVG cần được nhìn nhận dưới góc độ pháp lý một cách tỉnh táo trên cơ sở hiểu biết pháp luật và tinh thần thượng tôn pháp luật.
Vừa qua, trên báo chí có đăng ý kiến của một vị luật sư cho rằng VFF đã vi phạm Luật Dân sự khi ký hợp đồng thương quyền với AVG. Tuy nhiên, khi đọc vào nội dung bài viết thì thấy luật sư này đề cập đến vấn đề này khá tổng thể. Không chỉ phân tích vấn đề từ góc độ Luật Dân sự, vị luật sư còn dẫn chiếu cả Luật Thương mại, Luật Thể dục thể thao, Luật Báo chí, Luật Đấu thầu. Để có ý kiến vào từng luận điểm mà luật sư nêu ra sẽ cần nhiều thời gian hơn một cuộc phỏng vấn. Tuy nhiên, ý kiến ban đầu của tôi là đã có sự nhầm lẫn nghiêm trọng về khái niệm và thuật ngữ pháp lý. Cụ thể ở đây là sự nhầm lẫn giữa thương quyền truyền hình (là quyền khai thác thương mại đối với các trận đấu bóng đá) và nhượng quyền thương mại (là quyền kinh doanh hàng hóa, dịch vụ dưới tên và nhãn hiệu thương mại của người khác).
Còn việc Nguyễn Đức Kiên (Phó Chủ tịch VPF) không thừa nhận tính pháp lý của hợp đồng giữa VFF và AVG là khi ký hợp đồng với VFF, AVG chưa có giấy phép hoạt động truyền hình, nên việc ký hợp đồng này là không có hiệu lực, vậy ý kiến của AVG ra sao?
- Đối tượng của hợp đồng giữa VFF và AVG là quyền khai thác thương mại trên các phương tiện truyền thông đối với các trận đấu bóng đá do VFF tổ chức. Đây không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên chỉ cần đăng ký theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Thực tế cho thấy khi FPT mua bản quyền World Cup 2006 rồi bán lại cho VTV, VTC thì FPT đâu cần phải là đài truyền hình. Hiện nay, MP&Silva cũng đang là đơn vị phân phối bản quyền giải ngoại hạng Anh tại Việt Nam. Nếu cách hiểu của luật sư nói trên là đúng thì MP&Silva phải là đài truyền hình mới được bán bản quyền các trận bóng đá Anh cho VTV và các đài truyền hình khác tại Việt Nam. Tôi không hiểu vị luật sư có định nói là hợp đồng MP&Silva bán bản quyền bóng đá Anh cho VTV là vô hiệu hay không.
Một số ông bầu ở VPF nói rằng họ làm bóng đá và muốn sở hữu bản quyền truyền hình vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam và AVG cũng vậy. Nếu thật lòng vì bóng đá Việt Nam, tại sao các bên không cùng ngồi lại để thảo luận, cùng nhau giải quyết những khúc mắc?
- AVG không có ý định nói nhiều về những gì đã làm cho bóng đá Việt Nam vì quả thực những gì đã làm vẫn chưa được như mong muốn của chúng tôi. Theo hợp đồng giữa VFF và AVG thì AVG có trách nhiệm đẩy mạnh truyền thông cho bóng đá Việt Nam. Kết quả năm đầu tiên AVG đứng ra phân phối bản quyền là số trận đấu bóng đá được truyền hình trực tiếp đã tăng lên đáng kể (từ 148 trận năm 2010 lên 345 trận năm 2011). Còn bóng đá Việt Nam có thu hút được nhiều đơn vị tài trợ nữa hay không còn phụ thuộc vào chất lượng của từng giải đấu, vào công tác tổ chức điều hành, vào chất lượng của trọng tài, vào an ninh trật tự trên khán đài của từng trận đấu, vào tinh thần fair play của các cầu thủ… Chúng tôi có tâm nguyện được đóng góp cho sự quảng bá bóng đá Việt Nam nên sẵn sàng ngồi lại với các bên liên quan để thống nhất cách thức hỗ trợ bóng đá Việt Nam phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, không phải như cách mà một số cá nhân đã làm với chúng tôi trong thời gian qua.
Vậy dựa vào đâu mà AVG ký hợp đồng kéo dài 20 năm với VFF?
- Nếu có thời gian để tìm hiểu thêm thì các hợp đồng hợp tác dài hạn trong lĩnh vực thể thao không phải là hiếm. Gần chúng ta nhất là Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC) đã ký hợp đồng bản quyền 20 năm với World Sport Group (WSG) từ năm 1993 đến 2013. Ngoài ra có thể kể đến các hợp đồng hợp tác dài hạn khác trong lĩnh vực thể thao giữa liên đoàn và các công ty truyền thông như giải hockey của Mỹ, giải đua xe đạp vòng quanh nước Pháp, giải quần vợt Wimbledon…
Các cơ sở khác để quyết định ký kết hợp đồng dài hạn thì chúng tôi đã nói đến quá nhiều lần trong các cuộc họp báo trước đây rồi nên xin phép không nhắc lại.
Luật thể thao có điều khoản nói về sở hữu các giải đấu, trong đó các CLB là đồng sở hữu giải đấu với liên đoàn. Như vậy, khi ký hợp đồng với VFF, AVG có yêu cầu VFF chứng minh được rằng các CLB cũng đồng ý bán thương quyền truyền thông cho AVG?
- AVG và VFF cùng nghiên cứu rất kỹ Luật Thể dục Thể thao và Điều lệ của Liên đoàn. Không có điều nào trong Luật Thể dục thể thao nói VFF và các CLB là đồng sở hữu giải đấu. Khoản 2 Điều 53 Luật Thể dục thể thao quy định rằng giải đấu do Liên đoàn tổ chức thì Liên đoàn là chủ sở hữu; giải do các câu lạc bộ tổ chức thì các câu lạc bộ là chủ sở hữu; giải do tổ chức, cá nhân tổ chức thì tổ chức, cá nhân đó là chủ sở hữu.
Những rắc rối về câu chuyện bản quyền truyền đã ít nhiều ảnh hưởng đến người xem, vậy AVG giải pháp nào để giải quyết những khúc mắc này?
- AVG và VFF đang là đối tác của nhau trước khi VPF xuất hiện. AVG và VPF chưa từng có quan hệ pháp lý gì với nhau. Tuy vậy, AVG vẫn gửi văn bản thông báo hướng giải quyết câu chuyện bản quyền cho VFF và VPF. Nhưng rốt cuộc, AVG đã không nhận được thiện chí của VPF, thậm chí chỉ nhận được những vi phạm trắng trợn của một số cá nhân trong đó. Cũng cần nói thêm rằng AVG không cần chờ VPF ra đời như ngày hôm nay để hành động vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam. AVG đã có chương trình hành động cụ thể cho bóng đá Việt Nam và Thể thao Việt Nam nói chung từ lâu rồi. Cho đến ngày hôm nay, AVG vẫn đang đi theo kế hoạch hành động đó. Hiện nay VPF đã có công văn gửi ba Bộ là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông. Cũng theo báo đăng thì VPF đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bây giờ, chúng ta phải đợi kết quả làm việc của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và kết luận cuối cùng của các cơ quan này.
Quốc Long (thực hiện)
Theo Vietnamnet
0 comments:
Đăng nhận xét