Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

AVG cho chọn phụ đề, thuyết minh, lồng tiếng trên…chiếc điều khiển

(Kienthuc.net.vn) – AVG – Truyền hình An Viên là đơn vị đầu tiên thực hiện việc thuyết minh, lồng tiếng trên 3 kênh quốc tế được nhiều người xem hiện nay là HBO, Star Movies và National Geographic Channel (NGC).

Ông Nguyễn Thanh Lâm - Phó Tổng Giám đốc AVG - Truyền hình An Viên
Kienthuc.net.vn đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Lâm – Phó Tổng giám đốc AVG – Truyền hình An Viên. Ông nhận xét thế nào về tình hình Việt hóa trên hệ thống truyền hình trả tiền hiện nay trong các bộ phim và các chương trình nước ngoài?
Khán giả Việt Nam ngày càng có điều kiện tiếp cận với các Kênh chương trình quốc tế và một trong những yếu tố khiến người ta dễ gần gũi nhất đó là ngôn ngữ trên các Kênh được chuyển sang tiếng Việt.
Nhiều năm qua, các phim nước ngoài chiếu trên các kênh truyền hình quốc gia và địa phương đã được thuyết minh, lồng tiếng nhưng với các kênh chương trình 100% từ nước ngoài thì đó là một thách thức bởi chưa có đơn vị nào làm điều này, mà mới chỉ dừng lại việc Việt hóa ở dạng đưa phụ đề tiếng Việt lên màn hình.
Chúng ta thấy một bộ phận khán giả xem truyền hình hiện nay có nhu cầu rất lớn xem các phim và kênh chương trình nước ngoài. Nhưng nếu chương trình nước ngoài mà không được Việt hóa thì không nhiều người hiểu được nội dung, hoặc không cảm thấy gần gũi. Và nếu Việt hóa chỉ bằng phụ đề thì việc vừa xem phim vừa xem phụ đề vẫn là việc khó đối với số đông khán giả. Vì thế, theo tôi việc Việt hóa hiện nay trên hệ thống truyền hình trả tiền vẫn còn cần phải được đầu tư hơn nữa để đem lại sự thoải mái nhất với người xem.
Trước thực trạng đó và qua điều tra nhu cầu của khách hàng khi Truyền hình An Viên cung cấp dịch vụ, đa số khách hàng ủng hộ việc làm thuyết minh tiếng Việt trong các kênh nước ngoài. Đây cũng là hướng đi nằm trong chiến lược của AVG nhằm tạo ra sự khác biệt, đáp ứng nhu cầu của người xem.
Truyền hình An Viên thực hiện thuyết minh trên những kênh nào, thưa ông?
Hiện tại, chúng tôi đang thực hiện thuyết minh tiếng Việt trên ba kênh là HBO (tín hiệu tiêu chuẩn SD & siêu nét HD), Star Movies (SD và HD), NGC – kênh Tài liệu – Khám phá (SD). Trên kênh Star Movies, việc thuyết minh hoặc lồng tiếng được thực hiện đối với dải giờ vàng buổi tối từ 19-24h trong ngày và rất nhiều giờ trong ngày.
Với kênh HBO chúng tôi đang cố gắng thực hiện thuyết minh 2 phim mỗi tối, tiến tới phủ kín dải giờ vàng buổi tối, và với NGC thực hiện thuyết minh từ 20-22h hàng ngày.
Vì sao AVG lại chọn thuyết minh, lồng tiếng cho ba kênh trên?
Theo điều tra của các công ty đo tỷ lệ xem truyền hình và điều tra riêng của AVG thì ba kênh HBO, Star Movies và NGC nằm trong số các kênh nước ngoài có chất lượng cao, được nhiều người Việt xem nhất. Vì lý do đó, chúng tôi chọn 3 kênh trên để làm thuyết minh, bởi chúng tôi hướng đến phục vụ nhu cầu của số đông khách hàng.
Theo ông vì sao những nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền khác không thực hiện thuyết minh mà Truyền hình An Viên lại làm?
Việc đầu tư thuyết minh cho các kênh quốc tế rất tốn kém, mất nhiều thời gian. Nhưng vì mục tiêu đem đến cho người xem sự thoải mái khi xem các kênh đó, và cũng vì đây là hướng đi được các cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về truyền hình khuyến khích, nên AVG quyết tâm đầu tư vào việc này. Thêm nữa, không phải đơn vị nào muốn thực hiện cũng được. Họ phải được cấp phép từ nhà cung cấp kênh quốc tế. AVG là đơn vị duy nhất tại Việt Nam được cấp độc quyền thực hiện việc thuyết minh trên 3 kênh HBO, Star Movies và NGC.
Về thuyết minh, lồng tiếng, làm thế nào để dung hòa được nhu cầu của người xem khi chúng ta có 3 vùng miền với nhiều chất giọng khác nhau, thói quen tiếp cận ngôn ngữ nói cũng rất khác nhau?
Để dung hòa được nhu cầu của người xem thì cần có môt số giải pháp thực tế, tức là cần chọn được giọng đọc hay, dễ nghe, phù hợp với tất cả khán giả xem truyền hình. Có những giọng miền Nam mà người miền Bắc thích, và cũng có những giọng miền Bắc mà người Miền Nam thích.
Để dung hòa được điều này, AVG – Truyền hình An Viên đã chọn những giọng đọc với các tiêu chí như đã có nhiều năm kinh nghiệm thuyết minh, lồng tiếng. Hai là những giọng đọc đã có thương hiệu, khán giả nghe, nhận ra giọng đó và yêu thích chất giọng đó. Ba là, yếu tố vùng miền.
Với AVG, chúng tôi cố gắng cân đối hài hòa tỉ lệ giữa giọng miền Bắc, miền Nam, vốn là hai chất giọng phổ biến. Chúng tôi sẽ cố gắng đem đến sự hài lòng ở mức cao nhất có thể với người xem truyền hình. Các kênh nước ngoài, phim nước ngoài đều được thuyết minh trên cả hai chất giọng đó.
Với những người không thích nghe thuyết minh, lồng tiếng thì sao? Liệu AVG thực hiện thuyết minh như thế là sự ép buộc?
Đúng là trong một gia đình, không phải ai cũng thích nghe thuyết minh tiếng Việt, mà cũng có lúc có  người muốn nghe ngôn ngữ gốc của kênh kèm theo hình thức Việt hóa ở dạng phụ đề. Đối tượng khán giả này chủ yếu là các bạn trẻ và những người có ngoại ngữ.
Đáp ứng nhu cầu này, Truyền hình An Viên mang đến cho khán giả xem truyền hình sự lựa chọn cho cả người muốn xem phụ đề và người muốn nghe thuyết minh, lồng tiếng. Tất cả đều có thể được điều chỉnh trên điều khiển từ xa của đầu thu AVG – Truyền hình An Viên. Khán giả có thể lựa chọn ngôn ngữ muốn nghe theo sở thích. Với tiện ích này, người xem được quyền xem kênh chương trình được Việt hóa theo nhu cầu của mỗi người. Điều duy nhất mà chúng tôi đang làm là cố gắng làm tốt hơn để phục vụ khán giả xem truyền hình, mang đến cho họ lựa chọn sử dụng dịch vụ theo cách mà họ yêu thích.
Xin cảm ơn ông!
Vinh Sơn (thực hiện)

560 cầu thủ nhí ứng thí chương trình bóng đá cộng đồng Barcelona

(Vietnamnet) – Chương trình bóng đá cộng đồng của CLB Barcelona tại Việt Nam đã kết thúc và bắt đầu chính thức sơ tuyển từ ngày 26/5 tại Trung tâm Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam (VFF). Chương trình được AVG – Truyền hình An Viên hỗ trợ với số tiền 40.000 USD.
Chương trình đã tiếp nhận hơn 560 hồ sơ đăng ký học tại khu vực miền Bắc. Do chỉ tiêu mỗi khoá học chỉ tuyển 144, vì vậy chương trình sẽ tiến hành sơ tuyển. Thời gian so tuyển vào hai ngày 26, 27/5/2012.Công tác tuyển chọn sẽ do một hội đồng gồm các HLV tiến hành. Việc sơ tuyển dựa trên các tiêu chí: Tư duy sáng tạo; Tinh thần ý chí, ý thức, đạo đức sân cỏ; Khả năng đồng đội tấn công và phòng ngự; Thể lực (tốc độ, linh hoạt, khéo léo).
Sau khi trúng tuyển, các em nhỏ sẽ nhập học từ ngày 24/6/2012 tại Hà Nội. Với các em ở tỉnh xa, có thể liên hệ Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ để đăng ký dịch vụ ăn, ở.
Thời gian học chính thức sẽ bắt đầu từ ngày 25/6 đến 29/6/2012 tại sân Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam (VFF).
Mỗi em trúng tuyển sẽ đóng tiền mua trang thiết bị tập luyện theo yêu cầu của Học viện Barca. Đối với lớp học phía Nam sẽ điều chỉnh thời gian học đến cuối năm 2012.
Các buổi sơ tuyển sẽ được kênh NCM của AVG ghi hình, sản xuất và phát sóng trong các chương trình, bản tin của kênh này.
An Thái

Truyền hình cáp “dậy sóng” khi AVG, FPT, Viettel nhập cuộc?

(ICTnews) – Việc những tên tuổi mới như Viettel, AVG và FPT Telecom tuyên bố nhảy vào lĩnh vực truyền hình cáp chắc chắn sẽ khiến những tên tuổi cũ như Truyền hình cáp Việt Nam, Truyền hình cáp Hà Nội… phải “đau đầu” bởi nguy cơ mất thị phần chỉ còn là vấn đề thời gian.
"Liên doanh" AVG-FPT Telecom và Vietel đang trở thành mối nguy đối với các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp
AVG bất ngờ hợp tác FPT Telecom ra truyền hình cáp
Mới đây, hai đơn vị này đã đệ đơn lên Bộ TT&TT xin được cấp phép dịch vụ truyền hình cáp. Theo đó, AVG sẽ “liên thủ” với FPT Telecom cung cấp dịch vụ này. Sở dĩ AVG hợp tác với FPT Telecom cung cấp dịch vụ truyền hình cáp bởi 2 đơn vị này đã đầu tư trục truyền dẫn Bắc – Nam từ giữa năm 2011. Trục cáp quang Bắc – Nam này có chiều dài khoảng 2.000 km, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2012. Mục tiêu của AVG là đầu tư thêm cáp đồng trục đến hộ gia đình để cung cấp dịch vụ truyền hình cáp giá rẻ. Trước đó, AVG đã tuyên bố cung cấp dịch vụ truyền hình vệ tinh với giá cước rất rẻ từ 33.000 đồng/tháng. AVG hiện là 1 trong 3 đơn vị được xây dựng hệ thống truyền dẫn phát sóng trên phạm vi toàn quốc. DN này cũng được cấp phép thiết lập mạng viễn thông cố định nội hạt và mạng viễn thông cố định vệ tinh.
Việc AVG “liên thủ” với FPT Telecom nhảy vào lĩnh vực truyền hình cáp được cho là sẽ gây tác động lớn đến thị trường này. Đầu tư dịch vụ truyền hình cáp đòi hỏi phải đầu tư hạ tầng rất lớn, chi phí duy trì bảo dưỡng cao. Vì vậy, đến thời điểm này, dịch vụ truyền hình cáp mới chỉ cạnh tranh mạnh ở hai thị trường “màu mỡ” là Hà Nội và TP.HCM với khoảng 3 – 4 nhà cung cấp. Ở các địa phương khác (chủ yếu tại khu vực đô thị) thì mức độ cạnh tranh rất thấp, thậm chí nhiều nơi chỉ có VCTV (Truyền hình cáp Việt Nam) cung cấp dịch vụ. Trong khi đó, Việt Nam có tới 20 triệu gia đình, đây là thị trường lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp.
AVG bắt tay với FPT Telecom được cho là sự kết hợp của 2 DN năng động và có khả năng cạnh tranh cao, bởi đó là sự kết hợp của mô hình kinh tế tư nhân và cổ phần. FPT Telecom hiện có thị phần Internet lớn thứ 2 tại Việt Nam nên AVG và FPT Telecom không chỉ đơn thuần cung cấp dịch vụ truyền hình cáp. Nhiều khả năng họ sẽ đem lại một mô hình cung cấp dịch vụ “Tất cả trong 1″ cho khách hàng gồm Internet, truyền hình chất lượng cao theo yêu cầu, thậm chí cả điện thoại cố định trên 1 đường cáp đồng trục. Động thái này cho thấy AVG đang tìm đường tiến sâu vào thị trường viễn thông chứ không dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng. Trước đó, cũng có ý kiến cho rằng với tài nguyên được cấp phát AVG có thể “nhòm ngó” cả thị trường di động.
Viettel đặt cược vào truyền hình cáp
Đầu năm 2012, Viettel tuyên bố sẽ nhảy vào lĩnh vực truyền hình trả tiền trong năm 2012. Một trong những lý do khiến Tập đoàn này muốn chuyển sang cung cấp dịch vụ truyền hình cáp là mảng dịch vụ di động sắp bão hòa nên khó tăng mạnh doanh thu, trong khi đó tham vọng của Viettel rất lớn. Việc “lấn sân” sang lĩnh vực truyền hình giúp Viettel có thể mở rộng thị trường và tăng doanh thu. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết, nhà mạng đã cảm thấy “chật chội” nên phải “lấn sân” sang dịch vụ truyền hình trả tiền. “Hiện Việt Nam chỉ có khoảng 4,5 triệu thuê bao truyền hình trả tiền (vệ tinh, IPTV, truyền hình cáp…). Với con số này, mật độ thuê bao truyền hình trả tiền của Việt Nam còn thấp so với các nước.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, hiện nay các mạng di động đã phủ 3G tới 95% diện tích dân số. Thế nhưng, 3G là công nghệ vô tuyến nên băng thông sẽ hữu hạn. Vì thế, nếu Việt Nam muốn có một hạ tầng băng rộng phủ khắp thì phải tính đến một phương án nữa là qua truyền hình cáp. Hiện Viettel đang có mục tiêu mang truyền hình cáp đến tất cả các hộ gia đình, khi đó với cáp đồng trục có thể giải quyết được câu chuyện băng rộng đến các hộ gia đình với tốc độ cao. Sắp tới, đường dây điện thoại và truyền hình cáp Viettel về đến làng xã.
Nhiều người kỳ vọng những gì Viettel đã thể hiện ở dịch vụ di động có thể được mang sang để làm bùng nổ thị trường truyền hình cáp, đặc biệt là vùng nông thôn. Tất nhiên, di động và truyền hình cáp có những đặc điểm khác nhau và cần có cách làm khác nhau để tạo nên sự bùng nổ nhưng vẫn phải đảm bảo trên hai nền tảng chính là giá và chất lượng dịch vụ. Giới chuyên môn cho rằng, điểm mạnh nhất hiện nay của Viettel mà các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền khác không có được, đó là hạ tầng truyền dẫn băng rộng đã kết nối đến tận xã. Đây là yếu tố thuận lợi để nhà cung cấp này có thể lập tức phủ kín dịch vụ truyền hình cáp trên toàn quốc.
Thái Khang
Theo ICTnews

AVG “liên thủ” với FPT Telecom

(ICTnews) - Nguồn tin của ICTnews cho hay AVG sẽ “liên thủ” với FPT Telecom cung cấp dịch vụ truyền hình cáp. AVG và FPT đang là đối thủ nặng ký trên thị trường này, khi mà hầu hết các đơn vị truyền hình cáp đều là doanh nghiệp (DN) Nhà nước.
AVG của ông chủ Phạm Nhật Vũ dường như đang nuôi tham vọng tiến mạnh hơn vào thị trường viễn thông.
Sở dĩ AVG hợp tác với FPT Telecom cung cấp dịch vụ truyền hình cáp bởi 2 đpn vị này đã đầu tư trục truyền dẫn Bắc - Nam từ giữa năm 2011. Trục cáp quang Bắc – Nam này có chiều dài khoảng 2.000 km, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2012. Mục tiêu của AVG là đầu tư thêm cáp đồng trục đến hộ gia đình để cung cấp dịch vụ truyền hình cáp giá rẻ. Trước đó, AVG đã tuyên bố cung cấp dịch vụ truyền hình vệ tinh với giá cước rất rẻ từ 33.000 đồng/tháng. AVG hiện là 1 trong 3 đơn vị được xây dựng hệ thống truyền dẫn phát sóng trên phạm vi toàn quốc, DN này cũng được cấp phép thiết lập mạng viễn thông cố định nội hạt và mạng viễn thông cố định vệ tinh. Ông Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty AVG là em trai ông Phạm Nhật Vượng (1 trong những người giàu nhất Việt Nam hiện nay căn cứ vào cổ phiếu trên thị trường chứng khoán).
Việc AVG “liên thủ” với FPT Telecom nhảy vào lĩnh vực truyền hình cáp được cho là sẽ gây tác động lớn đến thị trường này. Đầu tư dịch vụ truyền hình cáp đòi hỏi phải đầu tư hạ tầng rất lớn, chi phí duy trì bảo dưỡng cao. Vì vậy, đến thời điểm này, dịch vụ truyền hình cáp mới chỉ cạnh tranh mạnh ở hai thị trường “màu mỡ” là Hà Nội và TP.HCM với khoảng 3 - 4 nhà cung cấp. Ở các địa phương khác (chủ yếu là đô thị) thì việc cạnh tranh rất thấp, thậm chí nhiều nơi chỉ có VCTV (Truyền hình cáp Việt Nam) cung cấp dịch vụ. Trong khi đó, Việt Nam có tới 20 triệu gia đình, đây là thị trường lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp.
AVG bắt tay với FPT Telecom được cho là sự kết hợp của 2 DN năng động và có khả năng cạnh tranh cao bởi đó là sự kết hợp của mô hình kinh tế tư nhân và cổ phần. FPT Telecom hiện có thị phần Internet lớn thứ 2 tại Việt Nam nên AVG và FPT Telecom không chỉ đơn thuần cung cấp dịch vụ truyền hình cáp. Nhiều khả năng họ sẽ đem lại một mô hình cung cấp dịch vụ “Tất cả trong 1″ cho khách hàng gồm Internet, truyền hình chất lượng cao theo yêu cầu, thậm chí cả điện thoại cố định trên 1 đường cáp đồng trục. Động thái này cho thấy AVG đang tìm đường tiến sâu vào thị trường viễn thông chứ không dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng.  Trước đó, cũng có ý kiến cho rằng với tài nguyên được cấp phát AVG có thể “nhòm ngó” cả thị trường di động.
Bình luận về cơ cấu thị trường viễn thông sau khi mở cửa, TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông cho rằng, gần đây, thị trường viễn thông Việt Nam đã bộc lộ những mặt hạn chế mà nếu không khắc phục, thì sự phát triển tiếp theo sẽ gây khó khăn cho cả DN, Nhà nước và người tiêu dùng. Hạn chế lớn nhất được ông Trực đề cập là hầu hết các DN viễn thông chủ lực đều là DN Nhà nước. Theo ông, thị trường viễn thông Việt Nam chỉ cần 1 – 2 DN Nhà nước, còn lại là DN tư nhân để tạo sự cạnh tranh.
Thái Khang
Theo ICTnews

Võ cổ truyền gìn giữ tinh hoa võ thuật Việt Nam

(Vietnamplus) – Võ cổ truyền của Việt Nam đã vươn xa khỏi ranh giới gia đình, dòng họ, môn phái, để vươn tới tầm châu lục và thế giới. Võ học cổ truyền hiện tại đã được xã hội hóa và mang tính cộng đồng cao, có vai trò và giá trị to lớn đối với thể thao nước nhà. Với những giá trị cả về truyền thống lẫn giá trị chuyên môn, các môn võ cổ truyền cần được xã hội quan tâm, bảo tồn và phát huy.
Vovinam - Môn võ cổ truyền được bạn bè quốc tế ưa thích
Võ cổ truyền vươn xa khỏi địa giới lãnh thổ
Võ cổ truyền Việt Nam đã trải qua hàng trăm năm xây dựng và phát triển, với hơn một trăm phái võ trong cả nước như Nhất Nam, Nam Hồng Sơn (miền Bắc), Tây Sơn võ đạo, Bình Thái Đạo (miền Trung), Thanh Long võ đạo, Bình Định Sa Long Cương (miền Nam)…
Một số môn phái như Qwankido (Quán khí đạo), Vivonam (Việt võ đạo)… đã dần quen thuộc trên thế giới và thu hút đông đạo võ sinh nước ngoài yêu thích tập luyện. Những môn võ này đã góp phần không nhỏ truyền bá võ cổ truyền của người Việt đến bạn bè quốc tế.
Võ sư Nguyễn Thanh Phong, chưởng môn Võ khí đạo tại Đức nhận định: “Võ Việt phát triển được ở nước ngoài là nhờ có nguồn gốc mạnh, đa dạng, phong phú, vừa thực tế vừa hoa mỹ. So với một số môn võ ở một vài nước thì võ Việt vẫn có ưu thế và nét đặc sắc riêng, hơn nữa con người Việt Nam rất cởi mở, dễ hòa nhập với cộng đồng thế giới nên theo đó võ Việt cũng dễ phổ biến.”
Nét đẹp của các bài võ cổ truyền không chỉ nằm trong các quyền thế (miếng), mà còn nằm ở các giai thoại, xuất xứ, sức sống bền bỉ và hàm chứa những đòn thế tuyệt kỹ. Theo Võ sư Khắc Trịnh – chủ nhiệm võ đường Khắc Trịnh: “Võ cổ truyền của Việt Nam rất đặc thù. Tấn pháp rất chắc chắn, thân pháp uyển chuyển, đa dạng, di chuyển tiến thoái nhu cương song toàn.” So sánh với Karatedo, Taekwondo,… võ cổ truyền Việt Nam có đặc trưng lấy yếu thắng mạnh, lấy nhu thắng cương, lấy ngắn thắng dài. Các bài võ đã được cải tiến để thuận tiện đối kháng và luyện tập.”
Võ sư Thanh Phong – võ đường Thanh Phong khẳng định: “Võ thuật cổ truyền của Việt Nam thường thực dụng, linh hoạt, di công vi thủ, di nhu chế cường, dĩ đoàn chế cương. Muốn luyện thành thạo phải luyện với thiên nhiên, nơi có khí trong lành để tăng khí công trong người. Khi đó, gia triều sẽ rất mạnh.”
Xem thêm clip các võ sinh tập luyện nơi thiên nhiên hùng vĩ:

Đối với các môn võ được du nhập từ nước ngoài, các võ sư Việt cũng đã điều chỉnh phương thức luyện tập và các thế miếng để phù hợp hơn với tinh thần võ đạo và sức vóc của người Việt.
Và tiếp lửa gìn giữ tinh hoa
Võ học Việt Nam từ xưa “quý hồ tinh bất quý hồ đa” – tức là số lượng không nói lên sự phát triển, tên gọi không thể hiện bản chất. Tuy nhiên, hiện tượng vàng thau lẫn lộn trong giới võ thuật Việt Nam hiện đã xuất hiện. Nhiều môn phái mới chưa thể hiện được tinh thần truyền thống của võ đạo Việt, mới ra đời, đã vội xưng danh “cổ truyền.”
Chính vì vậy, những người thực sự tâm huyết với võ cổ truyền vẫn luôn đau đáu phương thức “gạn đục khơi trong” và truyền bá, phổ biến những môn võ cổ truyền tới nhiều người.
Tại hội thảo “Bảo tồn và phát triển võ cổ truyền Việt Nam 2011”, ông Oliver Barbey – Chủ tịch Liên đoàn võ Việt Nam tại Pháp đề xuất: “Cái tên võ cổ truyền Việt Nam được thế giới biết đến rất nhiều, tuy nhiên để quảng bá và phát triển hơn nữa Việt Nam cần sản xuất một bộ phim và biên tập ra nhiều thứ tiếng để giới thiệu nét tinh hoa, vẻ đẹp độc đáo của võ cổ truyền Việt Nam.”
Quảng bá võ cổ truyền trên các kênh truyền hình không còn mới. Trước đây, kênh thể thao giải trí VTV3 của Đài truyền hình Việt Nam đã sản xuất một số chương trình như “Thể thao dân tộc”, “Dạy võ cổ truyền” (phần 1&2), “Ngôi sao võ thuật toàn cầu”…
Gần đây nhất, “Tinh hoa võ thuật” – một tạp chí chuyên biệt về võ thuật cổ truyền dân tộc nói riêng và võ thuật thế giới nói chung đã lên sóng trên kênh Thể thao – Giải trí NCM của AVG – Truyền hình An Viên. Mỗi chương trình có thời lượng 15 phút sẽ mang đến cho người xem cảm nhận về cái đẹp, giá trị của võ cổ truyền nước ta, góp phần bảo tồn võ cổ truyền của dân tộc./.
Phạm An
Theo Vnplus

Chương trình “Xưa…Nay”: Sợi dây lay động lòng người

(Kienthuc.net.vn) – Xưa… Nay là một chương trình truyền hình thể hiện dưới hình thức tọa đàm với các chủ đề về văn hóa, đạo đức, lối sống… của con người trong xã hội. Thông qua đó, những bài học sâu xa về đạo lý được mang đến cho khán giả một cách chân thực, và gần gũi nhất.
Chương trình hội tụ nhiều trí thức, học giả tên tuổi trong các lĩnh vực khác nhau
Chương trình Xưa… Nay phát sóng hàng tuần trên kênh An Viên của AVG – Truyền hình An Viên với thời lượng 45 phút/chuyên đề vào 14h30 ngày chủ nhật và phát lại lúc 21h15 cùng ngày.
Xưa… Nay quy tụ những nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa có chuyên môn cao trong việc phân tích chuyện xưa như nhà báo Hồng Thanh Quang, nhà báo Huy Thịnh, nhà văn Chu Lai, nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, MC Thảo Vân…
Nhà văn Chu Lai, một trong những khách mời của chương trình Xưa… Nay khẳng định: “Không cần bàn cãi gì về ý nghĩa nhân văn tích cực của chương trình này. Đạo vợ chồng, đạo thầy trò, y đức…, những vấn đề về đạo đức đang xuống cấp rõ ràng đang là những tín hiệu mà nhìn đâu ta cũng thấy.
Nhưng chủ đề hay thôi chưa phải là chìa khóa để Xưa… Nay có thể lay động được người xem. Từ những câu chuyện xưa đến thực tế của cuộc sống hiện tại sẽ có những sợi dây kết nối, đó là các đạo lý làm người khó có thể phá vỡ.
Và Xưa …Nay sẽ hấp dẫn bởi chính nó đã tạo ra sợi dây đó”.
Anh Bình
Theo Bee.net.vn

Chùa Labrang – cội nguồn của Tây Tạng huyền bí

(Laodong.com.vn) -  Trong hơn ba thế kỷ tồn tại và phát triển, chùa Labrang – huyện Hạ Hà, châu tự trị dân tộc Tạng Cam Nam tỉnh Cam Túc (Trung Quốc) đã ôm trọn lịch sử huyền bí của giới Phật giáo Tây Tạng. Nhiều điều cho đến tận bây giờ vẫn là uẩn khúc đối với các nhà khoa học nghiên cứu về nền Phật giáo Tây Tạng.
Học 40 năm để tham dự một kỳ thi duy nhất trong đời
Ảnh chụp từ clip: Các nhà sư đang “cọ sát” vào nhau để tăng sự giao thoa kiến thức
Ảnh chụp từ clip: Các nhà sư đang “cọ sát” vào nhau để tăng sự giao thoa kiến thức
Nằm bên cạnh sông Đại Hạ, một nhánh của sông Hoàng Hà, từ hơn 300 năm nay, chùa Labrang luôn vang lên những tiếng tụng kinh không ngớt hòa lẫn bên tiếng nước chảy miên man. Nơi đây được coi là trường đại học Phật giáo đầu tiên của Tây Tạng. Tuy nhiên, khác với các trường đại học Phật giáo khác trên thế giới, quá trình khổ học của các sư tăng chùa Labrang kéo dài đến 40 năm. Sau khi kết thúc gần nửa cuộc đời nghiên cứu kinh luận, các sư tăng sẽ phải trải qua một kỳ thi duy nhất và quan trọng nhất. Đó chính là kỳ thi Thorampa để lấy học vị Gheso trong Phật giáo Tây Tạng. Học vị này tương đương với học vị tiến sĩ ngày nay. Kỳ thi Thorampa được giới Phật giáo Tây Tạng đánh giá là kỳ thi nghiêm ngặt nhất.
Để có  kiến thức dự thi, các sư tăng phải mất ít nhất 15 năm học những tri thức Phật học nền tảng trong Ngũ bộ đại luận (5 bộ kinh hiển tông của Phật giáo Tây Tạng). Sau đó họ phải mất 20 năm để thấm nhuần những kiến thức đó qua hàng trăm bộ kinh phân tích và dẫn giải do các sư tăng Phật sống tại đây truyền lại. Không những thế, họ còn phải liên tục các cuộc kiểm tra sát hạch để áp dụng những kiến thức mình thu lượm được vào thực tế.
Xem trailer phim tài liệu “Con đường tỉnh thức”:

Hình thức của các cuộc kiểm tra sát hạch (biện kinh) cũng rất lạ. Các sư tăng được “thẩm vấn” sẽ bị các sư tăng khác vây quanh. Họ liên tục “cọ sát” vào nhau, vào các sư tăng được “thẩm vấn” và đặt ra những câu hỏi bắt buộc các sư tăng được lựa chọn phải vận dụng tri thức mình để biện luận lô-gic. Cảnh biện kinh xem ra khá ồn ào và phức tạp, nhưng lại thực sự đơn giản, các tăng nhân coi việc xô đẩy, va chạm nhau như để tư duy được chạm vào nhau, làm tăng khả năng ghi nhớ kiến thức trong kho kinh sách khổng lồ, đồng thời cũng là lĩnh hội sự tinh túy của Phật pháp thượng thừa.
Chùa Labrang – nơi ẩn chứa bí ẩn của Phật sống Tây Tạng
Trải qua hơn 3 thế kỷ, chùa Labrang đã chứng kiến những thăng trầm của Phật giáo Tây Tạng cũng như nhiều đời Phật sống truyền thế. Tập tục Phật sống truyền thế được đưa ra dựa trên giáo lý “Tọa hóa độ sinh” (đức Phật tái thế) của Đức Phật Thích Ca. Theo giáo lý này thì khi Đức Phật (tức người đứng đầu giáo phái) viên tịch (qua đời) sẽ đầu thai vào một đứa trẻ khác (gọi là linh đồng).
Những đặc điểm nhận dạng vị “linh đồng” đó được các cao tăng nhận lại từ lời trăn trối trước khi viên tịch của vị Phật sống trước đó hoặc dựa trên những lời báo mộng của vị thần Hộ pháp có tên Lạp Mục Xuy Trung về phương hướng và địa danh mà “linh đồng” sinh ra. Tuy nhiên không phải các “linh đồng” được tìm thấy đều trở thành các Phật sống truyền thế, mà còn phải trải qua sự sàng lọc hết sức cẩn thận của các vị cao tăng. Mặc dù các cuộc “phỏng vấn” lựa chọn các “linh đồng” được làm rất chặt chẽ, hệ thống và tuân thủ nghiêm nghặt những quy tắc từ đời xưa để lại, nhưng việc thực thi và kết quả đưa ra vẫn mang phần cảm tính và huyền bí.
Tại sao các cao tăng Tây Tạng lại có thể tìm được các “linh đồng”, quá trình “sàng lọc” vị chân Phật sống ra làm sao, hiện tại vẫn là vấn đề mà nhiều học giả, những nhà khoa học hàng đầu đang nghiên cứu và chưa có lời giải. Và như thế, từ hàng trăm năm nay, những bí ẩn truyền kiếp của nền văn minh Phật Giáo Tây Tạng vẫn chìm trong tiếng nước chảy của sông Đại Hạ và tiếng tụng kinh trùng điệp chùa Labrang.
“Những bí ẩn của nền Phật giáo Tây Tạng truyền tại chùa Labrang là một trong những phần của bộ phim tài tiệu “Con đường tỉnh thức” của đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, đang được chiếu trên kênh An Viên của AVG  Truyền hình An Viên vào lúc 20h 45 phút hàng ngày. “
Vũ Phá

AVG công bố thỏa thuận chuyển nhượng thương quyền cho VPF

(Dân Việt) – AVG đồng ý thanh lý toàn bộ hợp đồng đã ký với VFF trên cơ sở cam kết của VPF về việc khai thác bản quyền truyền hình các giải đấu do VPF được ủy quyền tổ chức với giá trị tối thiểu 50 tỷ đồng/năm.

AVG sẽ tiếp tục hỗ trợ VPF và VFF bằng cách sẽ là một thành viên giám sát việc thực hiện Hợp đồng sau đây giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và VPF.
Sáng nay, 23.4 tại Hà Nội, Công ty cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên (AVG) cùng Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã ký kết biên bản thỏa thuận ba bên về việc chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá theo Hợp đồng 08/HĐ/2010/VFF-AVG.
Theo đó, các bên đã thống nhất thực hiện các nội dung sau:
Điều 1: AVG đồng ý thanh lý toàn bộ Hợp đồng số 08/HĐ/2010/VFF-AVG đã ký giữa AVG và VFF trên cơ sở cam kết của VPF về việc khai thác bản quyền truyền hình các giải đấu do VPF được ủy quyền tổ chức với giá trị tối thiểu 50 tỷ đồng/năm kể từ năm 2013 trở đi để tăng nguồn thu cho Bóng đá Việt Nam.
VPF có trách nhiệm làm việc với Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và Đài truyền hình kỹ thuật số (VTC) để thực hiện việc phát hình rộng rãi phục vụ đông đảo người hâm mộ trên cơ sở tôn trọng những thỏa thuận của AVG với các đài này.
Điều 2: VFF và VPF ghi nhận đóng góp của AVG trong thời gian qua đã giúp nâng giá trị thương quyền truyền hình của Bóng đá Việt Nam.
Điều 3: VPF cam kết sẽ làm tốt nhất để xây dựng, nâng cao chất lượng các giải bóng đá do Công ty được ủy quyền tổ chức.
Căn cứ các nội dung thống nhất trên đây, ba bên sẽ tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật, của VFF để tạo điều kiện cho VPF có thể triển khai việc khai thác thương quyền truyền hình ngay từ vòng đấu thứ 15 của giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Biên bản thỏa thuận này có hiệu lực kể từ ngày ký và hết hiệu lực khi các bên chính thức ký kết các văn bản liên quan đến việc chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá theo Hợp đồng 08/HĐ/2010/VFF-AVG.
Thỏa thuận này được thực hiện dựa trên cơ sở công văn số 69/TTAV-CV ngày 21.4.2012 của AVG gửi VPF trên tinh thần nội dung đã trao đổi và thống nhất giữa lãnh đạo hai bên về việc sẽ cùng hợp tác vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Theo đó, AVG khẳng định sẵn sàng chuyển lại quyền khai thác thương quyền hiện tại AVG đang có theo Hợp đồng 08/HĐ/2010/VFF-AVG cho VPF mà không thu bất kỳ một khoản phí chuyển nhượng nào khi các điều kiện sau được thỏa mãn:
Thứ nhất: Do AVG chỉ là một bên trong Hợp đồng 08/HĐ/2010/VFF-AVG mà theo Hợp đồng này việc chuyển nhượng Hợp đồng phải được sự chấp thuận của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Vì vậy, việc chuyển nhượng thương quyền từ AVG sang VPF nhất thiết phải được VFF đồng ý.
Thứ hai: Do AVG đã có văn bản cam kết với Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và Đài Truyền hình kỹ thuật số (VTC) về việc chia sẻ 70% thương quyền truyền hình các giải bóng đá Việt Nam cho các đài này nên sau khi tiếp quản Hợp đồng 08/HĐ/2010/VFF-AVG, VPF cần giữ nguyên cam kết này. Các nội dung cụ thể sẽ do VPF và các đài này tự thỏa thuận với nhau.
Thứ ba: Do VPF đã đảm bảo với AVG là mỗi năm VPF sẽ đem lại cho bóng đá Việt Nam tối thiểu 50 tỷ đồng nên VPF cần thực hiện cam kết này bằng văn bản với VFF và AVG, vì sự phát triển chung của Bóng đá Việt Nam.
Trong công văn này, AVG cũng khẳng định, khi VPF đã đáp ứng các điều kiện trên, AVG sẽ không yêu cầu VPF bồi hoàn các khoản lỗ của AVG trong thời gian qua khi khai thác thương quyền truyền hình các giải bóng đá Việt Nam. Hơn thế nữa, AVG sẽ hỗ trợ VPF và VFF bằng cách sẽ là một thành viên giám sát việc thực hiện Hợp đồng sau đây giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và VPF.
Linh Khánh
Theo Dân Việt

Nam The Man: “Sống ở Việt Nam vì bóng đá nghệ thuật”

(AVG) – Sau hơn 2 năm trở về Việt Nam, cái tên Nam The Man đã trở nên quen thuộc với các bạn trẻ và các sân chơi bóng đá nghệ thuật. Hiện anh đang có chuyến đi xuyên Việt để giới thiệu tới các bạn trẻ trên khắp mọi miền tổ quốc về môn bóng đá nghệ thuật. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với anh về hành trình dài này.
Chào Nam, cuộc sống của Nam tại Việt Nam thể nào?
Rất ổn, và tuyệt vời! Trở về Việt Nam và sống ở quê hương mình là một quyết định đúng đắn đối với tôi.
Nam quay trở về Việt Nam từ năm 2007 để phổ biến bóng đá nghệ thuật, hiện tại công việc đó được anh thực hiện như thế nào?
Nam The Man nhận chức vô địch Giải Komball Kontest Champion tại Paris, Pháp
Năm 2007, Nam trở về Việt Nam hai tuần với mong muốn giới thiệu bộ môn bóng đá nghệ thuật thông qua một website chính thức. Trang www.bongdanghethuat.comđã được ra đời như vậy! Ban đầu bongdanghethuat.comlà một trang thông tin, sau một thời gian Nam quyết định nâng cấp nó trở thành một diễn đàn để thu hút và phát triển cộng đồng online. Cũng từ trang mạng này, nhóm bóng đá nghệ thuật đầu tiên của Hà Nội – ATW Team đã chính thức ra đời.
Đầu năm 2010, Nam đã quyết định sống tại Việt Nam để phát triển môn bóng đá nghệ thuât. Đây không phải là một quyết định dễ dàng bởi có những khó khăn nhất định như việc không nói thạo tiếng Việt là ví dụ. Nhưng dần dần, mọi chuyện cũng tốt hơn. Phải nói rằng, bóng đá nghệ thuật đã cho Nam cơ hội trở về quê hương.
Hiện tại Nam đang tham gia một chương trình truyền hình thực tế mang tên mình để quảng bá bóng đã nghệ thuật đến các bạn trẻ trên khắp Việt Nam.
Lý do gì đã đưa Nam đến với chương trình truyền hình thực tế này?
Từ năm 2010, Nam đã xuất hiện trong khá nhiều chương trình khác nhau ở Việt Nam. Hầu hết đều là những chương trình biểu diễn, chỉ xuất hiện thời lượng ngắn trên sân khấu. Từ đó, Nam hình thành ý tưởng xây dựng một chương trình truyền hình thực tế dài kỳ để giới thiệu toàn diện về bóng đá nghệ thuật tới người xem.
Ở Việt Nam, các chương trình truyền hình thực tế về giải trí rất đa dạng, nhưng các chương trình truyền hình thực tế về thể thao thì chưa phổ biến. Nam và đạo diễn Nguyễn Đức Tú – người quản lý hình ảnh của Nam tại Việt Nam – đã mang ý tưởng này đến nhiều đài truyền hình. AVG – Truyền hình An Viên là đơn vị đầu tiên nhận lời cộng tác. Từ đó chương trình “Ngôi sao đường phố: Serie Nam The Man” đã ra đời và lên sóng kênh NCM của hệ thống truyền hình An Viên. Chương trình gồm 36 tập là chuyến đi tìm hiểu nguồn cội và du lịch văn hóa khắp Việt Nam của Nam, thông qua đó Nam có cơ hội quảng bá bộ môn bóng đá nghệ thuật.
Mỗi chương trình đều dành ra một thời lượng nhất định để hướng dẫn các bạn làm quen với bóng đá nghệ thuật. Với các bạn muốn trở thành cầu thủ chuyên nghiệp của bóng đá nghệ thuật, hãy gặp Nam lúc 16h thứ sáu hàng tuần trên kênh Thể thao – Giải trí NCM của AVG – Truyền hình An Viên.
Chuyến hành trình này đã để lại trong anh ấn tượng gì?
Đây là lần đầu tiên Nam được đi xuyên Việt! Có rất nhiều điều thú vị trong chuyến đi được Nam khám phá. Nam được làm quen nhiều người, gặp gỡ nhiều bạn trẻ cùng đam mê như mình. Nam được biểu diễn ở những nơi thú vị nhất: giữa một mỏm đá nhô lên ở Tràng An hay lần đầu tiên Nam được biểu diễn trong một hang động của Vịnh Hạ Long.
Sau chuyến đi, Nam đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển của bóng đá nghệ thuật tại Việt Nam?
Tại Việt Nam, bóng đá nghệ thuật chưa được nhìn nhận là một môn thể thao. Điều này khiến bóng đá nghệ thuật chưa phổ biến trong cộng đồng. Tuy vậy, qua tiếp xúc với các bạn trẻ, tôi thấy các bạn trẻ Việt Nam học rất nhanh và khéo léo. Hy vọng trong thời gian tới, bóng đá nghệ thuật sẽ được đưa vào chương trình giảng dạy như một bộ môn giáo dục thể chất. Nam cũng mong sẽ có những cuộc thi chính thức, để các cầu thủ có sân chơi riêng thể hiện tài năng của mình.
Đối với những bạn trẻ yêu thích bóng đá nghệ thuật và muốn gắn bó với bộ môn này, anh sẽ chia sẻ điều gì?
Nếu bạn quyết định theo đuổi bóng đá nghệ thuật thì bạn cần kiên trì, đừng vội thấy khó mà từ bỏ. Môn thể thao này rất có lợi cho sức khỏe và tinh thần. Thêm nữa, bóng đá nghệ thuật đang phát triển rất nhanh trên toàn thế giới, do đó, các bạn sẽ có nhiều cơ hội để thi đấu ở những sân chơi quốc tế.
Chọn bóng đá nghệ thuật để theo đuổi đã mang lại cho Nam những điều gì?
Bóng đá nghệ thuật có sức cuốn hút rất đặc biệt. Nam đã nhanh chóng đam mê môn thể thao này ngay từ những ngày đầu tiên được làm quen. Nhờ có bóng đá nghệ thuật, Nam có cơ hội để tự khám phá bản thân và các khả năng tiềm ẩn, Nam đã được đi và đến nhiều nơi trên thế giới, được đi du lịch, khám phá văn hóa nhiều vùng đất mới từ ngày biết đến bóng đá nghệ thuật.
Xin cảm ơn anh và chúc anh gặt hái thêm thành công!

Nam The Man tên thật là Nguyễn Hoài Nam, người Ireland gốc Việt. Tốt nghiệp ĐH chuyên ngành Tin học, nhưng anh đã phát triển sự nghiệp là một cầu thủ bóng đá nghệ thuật. Hiện tại, Nguyễn Hoài Nam điều hành trang bongdanghethuat.com và là cầu thủ du đấu chuyên nghiệp.
Những thành tích của Nam The Man:
+ Tháng 3/2008 – Vô địch Giải Komball Kontest Champion tại Paris, Pháp – Top 16 toàn cầu.
+ Tháng 5/2008 – Vô địch Châu Âu (Vienna, Áo)
+ Tháng 10/2008 – Vô địch Giải đấu Ireland (Dublin, Ireland )
+ Tháng 11/2008 – Top 8 Giải Vô địch Bóng đá đường phố thế giới (Sao Paulo Brazil), Top 50+ VĐV vô địch quốc gia.
+ Tháng 11/2010 – Top 8 Giải Vô địch Bóng đá nghệ thuật Thế giới (Cape Town, Nam Phi).
“Ngôi sao đường phố” là chương trình truyền hình giới thiệu các bộ môn thể thao đường phố tại Việt Nam: Bóng đá nghệ thuật, Parkour, Hiphop… “Ngôi sao đường phố” được phát sóng trên kênh NCM – Kênh thể thao giải trí của AVG – Truyền hình An Viên.
Ngọc Anh

“Cổ cồn trắng” – phim hình sự hấp dẫn trên ANTV

(Công an nhân dân) – “Cổ cồn trắng” được đánh giá là một bộ phim hình sự đậm chất Mỹ với lối tư duy nhanh lôi cuốn và các lập luận suy đoán được ví là “Sherlock Homes hiện đại”. Phim được phát sóng trên ANTV từ ngày 23/4.
Tiếp dòng chảy những phim hình sự trên ANTV, từ ngày 23/4, Truyền hình Công an nhân dân giới thiệu đến người xem series phim truyền hình thể loại trinh thám – hình sự hấp dẫn của điện ảnh Mỹ mang tên “Cổ cồn trắng” (White Collar). Phim do Truyền hình Công an nhân dân và AVG – Truyền hình An Viên phối hợp giới thiệu và phát sóng trên kênh ANTV.
Xem trailer của phim:

Là một phim truyền hình ăn khách của điện ảnh Mỹ trong nhiều năm liền (từ 2009 – 2012), “Cổ cồn trắng” được đánh giá là một bộ phim hình sự đậm chất Mỹ với lối tư duy nhanh lôi cuốn và các lập luận suy đoán được ví là “Sherlock Homes hiện đại”. Phim không có những cảnh súng ống, máu me, nhưng cũng không thiếu những pha hành động nghẹt thở, những tình tiết rượt đuổi gay cấn.
Bộ phim kể về mối quan hệ cộng tác bất đắc dĩ giữa một tay lừa đảo và một đặc vụ FBI. Tay lừa đảo tên là Neal Caffrey (Matt Bomer thủ vai) – một tên tội phạm quyến rũ cực kỳ thông minh với nhiều biệt tài khó ai có thể bì kịp. Ngoài khả năng ăn trộm, mở khóa, vượt ngục siêu hạng, Neal đồng thời cũng sở hữu kiến thức uyên bác về lịch sử, nữ trang, văn chương, hội họa,… và đặc biệt là một sức hấp dẫn “chết người” đối với bất kỳ người phụ nữ nào anh ta gặp.
Poster của phim
Đồng hành cùng Neal Caffrey trong các tập phim là đặc vụ FBI Peter Burke (Tim Dekay thủ vai). Peter Burke là đội trưởng đội điều tra FBI, có khả năng suy đoán thiên bẩm, dũng cảm và quyết đoán, hiếm khi thất bại trong việc truy tìm và bắt giữ những tên tội phạm gian manh nhất. Với Neal Caffrey, trong lúc chỉ còn 4 tháng là kết thúc bản án tù bốn năm của mình, anh ta đã tài tình trốn khỏi một nhà tù được trang bị các thiết bị an ninh tối tân nhất trong vai một quản tù để đi tìm cô người yêu Kate bỗng dưng mất tích của mình.
Tuy nhiên, không lâu sau Neal Caffrey đã bị bắt trở lại. Sau khi bị đưa trở lại trại giam, bằng mưu trí, Neal đã đề nghị một kế hoạch khác với FBI: Anh sẽ dùng trí tuệ tài ba của mình để giúp bắt giữ những tên tội phạm đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Dù lúc đầu còn hơi thận trọng và đề phòng, nhưng Peter Burke đã nhanh chóng nhận ra rằng, Neal đã mang đến cho ông khả năng trực giác, tài trí và những thông tin quý giá từ những nguồn tin bên ngoài mà ông không thể tìm thấy ở tổ chức của mình. Về phía Neal, anh ta hết lòng hỗ trợ Peter Burke một phần vì muốn dùng địa vị mới là nhân viên FBI để dễ dàng tìm kiếm cô bạn gái mà anh tin đang vướng vào rắc rối.
Với cốt truyện được dựng lên như vậy, các nhà làm phim “Cổ cồn trắng” kéo người xem vào những hành trình phá án thông minh, nhạy bén, đôi lúc hài hước của cặp đôi Neal Caffrey – Peter Burke cùng những suy tính, những diễn biến của Kate-Neal như mèo vờn chuột khiến bộ phim có thêm những tình tiết mới, hấp dẫn.
Mặc dù được cho một cơ hội để bắt đầu cuộc sống mới lương thiện nhưng Neal Caffrey đôi khi lại khao khát cuộc sống trước đây và thường lâm vào tình trạng phải lựa chọn giữa một trong hai cuộc sống. Sau hàng loạt những biến cố xảy ra, giữa Neal và Peter hình thành một mối quan hệ hợp tác hỗ trợ và tin tưởng lẫn nhau. Thế nhưng, với những rắc rối sẽ xảy đến, liệu họ có tiếp tục duy trì được mối quan hệ cộng tác này hay không?
Mọi dự đoán sẽ được sáng tỏ trong series phim “Cổ cồn trắng”, sẽ được phát sóng duy nhất trên kênh ANTV (Truyền hình Công an nhân dân) từ ngày 23/4 vào lúc 21h các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6 và phát lại lúc 14h30 các ngày từ thứ 3 đến thứ 7.
Kênh ANTV hiện đang được chiếu trên hệ thống truyền hình của VCTV, HCTV, HTVC, SCTV, VTC, My TV và AVG – Truyền hình An Viên.
                                                                                                                                                                                                                                  Vinh Sơn
Theo Công an nhân dân

VPF chấm dứt khiếu nại về bản quyền truyền hình

(Tuổi trẻ) – Ngày 14-4, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty VPF Nguyễn Đức Kiên cho biết chiều cùng ngày ông và đại diện VPF đã có cuộc làm việc với ông Phạm Nhật Vũ – Chủ tịch hội đồng quản trị AVG  – về hợp đồng chuyển giao thương quyền bóng đá giữa LĐBĐ VN (VFF) và AVG.
Theo ông Kiên, kết thúc cuộc đàm phán, VPF và AVG đã thống nhất với nhau về toàn bộ những điều khoản, khúc mắc giữa hai bên về vấn đề bản quyền truyền hình bóng đá như thời hạn, giá trị và mức độ phủ sóng của hợp đồng bản quyền. Dù từ chối đưa ra chi tiết hai bên đã đạt được, nhưng ông Kiên cho biết mọi việc diễn ra tốt đẹp và VPF, AVG đều vui vẻ vì đạt được mục đích. Với kết quả này, VPF cũng mang lại những quyền lợi tốt hơn cho bóng đá VN.
Cũng theo ông Kiên, với việc đàm phán xong xuôi với AVG, VPF chính thức chấm dứt không khiếu nại lên Bộ VH-TT&DL, Thanh tra Chính phủ hay các cơ quan tòa án khác liên quan đến hợp đồng chuyển giao thương quyền giữa VFF với AVG. Chiều cùng ngày, ông Võ Quốc Thắng – chủ tịch HĐQT VPF – cũng xác nhận với Tuổi Trẻ về tất cả những thông tin này. Như vậy có thể khẳng định vấn đề bản quyền truyền hình gây tranh cãi suốt hơn bốn tháng qua giữa ba bên VFF, AVG, VPF đã chấm dứt.

VĐV Nguyệt Ánh phẫu thuật thành công

VĐV karatedo Vũ Thị Nguyệt Ánh đem lại nhiều vinh quang cho thể thao Việt Nam
(Giadinh.net.vn) – Ca phẫu thuật chấn thương đầu gối từng khiến báo chí phải tốn nhiều giấy mực của nữ võ sỹ Vũ Thị Nguyệt Ánh đã thành công tốt đẹp.
Thông tin từ đội tuyển karatedo cho biết nhà vô địch SEA Games 26 sẽ về nước vào ngày 15/4 và sẽ cần thêm vài tháng điều trị kết hợp tập luyện hồi phục. Được biết, ca phẫu thuật của Nguyệt Ánh có chi phí lên tới hơn 20.000 USD. Số tiền lớn này đã được Quỹ hỗ trợ VĐV Việt Nam (do một số thành viên AVG sáng lập), HLV Lê Công (500 USD), Tổng cục TDTT, Phòng TDTT Quân đội và Công ty luật SMIC tài trợ toàn bộ.