(Vietnamplus) – Võ cổ truyền của Việt Nam đã vươn xa khỏi ranh giới gia đình, dòng họ, môn phái, để vươn tới tầm châu lục và thế giới. Võ học cổ truyền hiện tại đã được xã hội hóa và mang tính cộng đồng cao, có vai trò và giá trị to lớn đối với thể thao nước nhà. Với những giá trị cả về truyền thống lẫn giá trị chuyên môn, các môn võ cổ truyền cần được xã hội quan tâm, bảo tồn và phát huy.
Võ cổ truyền vươn xa khỏi địa giới lãnh thổ
Võ cổ truyền Việt Nam đã trải qua hàng trăm năm xây dựng và phát triển, với hơn một trăm phái võ trong cả nước như Nhất Nam, Nam Hồng Sơn (miền Bắc), Tây Sơn võ đạo, Bình Thái Đạo (miền Trung), Thanh Long võ đạo, Bình Định Sa Long Cương (miền Nam)…
Một số môn phái như Qwankido (Quán khí đạo), Vivonam (Việt võ đạo)… đã dần quen thuộc trên thế giới và thu hút đông đạo võ sinh nước ngoài yêu thích tập luyện. Những môn võ này đã góp phần không nhỏ truyền bá võ cổ truyền của người Việt đến bạn bè quốc tế.
Võ sư Nguyễn Thanh Phong, chưởng môn Võ khí đạo tại Đức nhận định: “Võ Việt phát triển được ở nước ngoài là nhờ có nguồn gốc mạnh, đa dạng, phong phú, vừa thực tế vừa hoa mỹ. So với một số môn võ ở một vài nước thì võ Việt vẫn có ưu thế và nét đặc sắc riêng, hơn nữa con người Việt Nam rất cởi mở, dễ hòa nhập với cộng đồng thế giới nên theo đó võ Việt cũng dễ phổ biến.”
Nét đẹp của các bài võ cổ truyền không chỉ nằm trong các quyền thế (miếng), mà còn nằm ở các giai thoại, xuất xứ, sức sống bền bỉ và hàm chứa những đòn thế tuyệt kỹ. Theo Võ sư Khắc Trịnh – chủ nhiệm võ đường Khắc Trịnh: “Võ cổ truyền của Việt Nam rất đặc thù. Tấn pháp rất chắc chắn, thân pháp uyển chuyển, đa dạng, di chuyển tiến thoái nhu cương song toàn.” So sánh với Karatedo, Taekwondo,… võ cổ truyền Việt Nam có đặc trưng lấy yếu thắng mạnh, lấy nhu thắng cương, lấy ngắn thắng dài. Các bài võ đã được cải tiến để thuận tiện đối kháng và luyện tập.”
Võ sư Thanh Phong – võ đường Thanh Phong khẳng định: “Võ thuật cổ truyền của Việt Nam thường thực dụng, linh hoạt, di công vi thủ, di nhu chế cường, dĩ đoàn chế cương. Muốn luyện thành thạo phải luyện với thiên nhiên, nơi có khí trong lành để tăng khí công trong người. Khi đó, gia triều sẽ rất mạnh.”
Xem thêm clip các võ sinh tập luyện nơi thiên nhiên hùng vĩ:
Đối với các môn võ được du nhập từ nước ngoài, các võ sư Việt cũng đã điều chỉnh phương thức luyện tập và các thế miếng để phù hợp hơn với tinh thần võ đạo và sức vóc của người Việt.
Và tiếp lửa gìn giữ tinh hoa
Võ học Việt Nam từ xưa “quý hồ tinh bất quý hồ đa” – tức là số lượng không nói lên sự phát triển, tên gọi không thể hiện bản chất. Tuy nhiên, hiện tượng vàng thau lẫn lộn trong giới võ thuật Việt Nam hiện đã xuất hiện. Nhiều môn phái mới chưa thể hiện được tinh thần truyền thống của võ đạo Việt, mới ra đời, đã vội xưng danh “cổ truyền.”
Chính vì vậy, những người thực sự tâm huyết với võ cổ truyền vẫn luôn đau đáu phương thức “gạn đục khơi trong” và truyền bá, phổ biến những môn võ cổ truyền tới nhiều người.
Tại hội thảo “Bảo tồn và phát triển võ cổ truyền Việt Nam 2011”, ông Oliver Barbey – Chủ tịch Liên đoàn võ Việt Nam tại Pháp đề xuất: “Cái tên võ cổ truyền Việt Nam được thế giới biết đến rất nhiều, tuy nhiên để quảng bá và phát triển hơn nữa Việt Nam cần sản xuất một bộ phim và biên tập ra nhiều thứ tiếng để giới thiệu nét tinh hoa, vẻ đẹp độc đáo của võ cổ truyền Việt Nam.”
Quảng bá võ cổ truyền trên các kênh truyền hình không còn mới. Trước đây, kênh thể thao giải trí VTV3 của Đài truyền hình Việt Nam đã sản xuất một số chương trình như “Thể thao dân tộc”, “Dạy võ cổ truyền” (phần 1&2), “Ngôi sao võ thuật toàn cầu”…
Gần đây nhất, “Tinh hoa võ thuật” – một tạp chí chuyên biệt về võ thuật cổ truyền dân tộc nói riêng và võ thuật thế giới nói chung đã lên sóng trên kênh Thể thao – Giải trí NCM của AVG – Truyền hình An Viên. Mỗi chương trình có thời lượng 15 phút sẽ mang đến cho người xem cảm nhận về cái đẹp, giá trị của võ cổ truyền nước ta, góp phần bảo tồn võ cổ truyền của dân tộc./.
Phạm An
Theo Vnplus
0 comments:
Đăng nhận xét