Trong ký ức bóng đá thế giới và Việt Nam, chiến thuật 4-3-3 đã mang lại những ưu thế rõ rệt với những trận cầu tấn công tràn ngập bàn thắng. Nay AVG-VTV-VTC lại chọn chiến thuật này trong lĩnh vực truyền hình.
Xuất trận, mỗi đội bóng đá có 11 cầu thủ. Ngoại trừ thủ môn đứng trong khung gỗ là bất di, bất dịch, trên sân mỗi đội còn lại 10 cầu thủ. Song, trong lịch sử bóng đá thế giới có hàng tá sơ đồ chiến thuật được các huấn luyện viên áp dụng nhằm tìm cách đem chiến thắng về cho đội nhà.
Trong kí ức, chiến thuật 4-3-3 (4 hậu vệ, 3 tiền vệ và 3 tiền đạo) được nhìn nhận có lối chơi phóng khoáng, cống hiến, và đẹp mắt. Bởi dù tấn công biên hay trung lộ, chiến thuật này đều có sức cản lướt, dễ khoan thủng hàng thủ đối phương…
Điển hình năm 1962, tại Chi-lê, chiến thuật này đã giúp đội Bra-xin thắng Tiệp Khắc (cũ) 3-1 trong trận chung kết, bảo vệ thành công ngôi vô địch thế giới. Hiện tại, HLV Mua-ri-nhô cơ bản cũng sử dụng sơ đồ xuất quân này và Real đang có sức xuyên phá khủng khiếp (ghi tới 59 bàn thắng), dẫn đầu giải vô địch Tây Ban Nha.
Ở trong nước, những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, với chiến thuật này, huấn luyện viên Phạm Tất Thắng cùng các học trò cưng, các hậu vệ: Nhật – Giáp – Thiêm – Phú; các tiền vệ: Mỵ – Hải – Thêu và các tiền đạo: Bền – Bính – Anh đã giúp đội bóng đá Thể Công 4/5 lần vô địch bóng đá miền Bắc. Đó là chuyện trong sân cỏ, còn bên ngoài liệu sơ đồ 4-3-3 có sức mạnh?
Như chúng ta đã biết, cuộc chiến bản quyền giữa VPF-AVG sau một thời gian khá căng thẳng, tốn nhiều giấy mực của báo giới đã có hướng đi mới, tích cực, bước đầu tạo được sự đồng thuận ở những điểm cốt lõi. Đó là việc AVG đã chủ động đề nghị phối hợp với VTV, VTC cùng khai thác thương quyền truyền hình bóng đá Việt Nam.
Đặc biệt, ngày 6-3, từ phương án 4-3-3 (VTV chiếm 40%, VTC 30% và AVG 30%), người hâm mộ bóng đá trong nước, nếu muốn, sẽ được xem thỏa thích, đầy đủ các trận đấu ở V.League và nhiều giải đấu quan trọng khác. Chắc chắn đó là những cống hiến của các nhà đài đối với người xem truyền hình.
Thứ hai, ở mỗi vòng đấu V.League 2012, các bên sẽ chia sẻ sóng sạch cho nhau. VTV sản xuất 40% số trận đấu (3 trận); VTC 30% (2 trận) và AVG 30% (2 trận). Riêng việc sản xuất trận đấu nào, cả 3 đài truyền hình, không kể lớn nhỏ đều bình đẳng và trước trận đấu sẽ bốc thăm.
Ưu thế của cách làm này tránh được việc ngon ăn, khó bỏ, tránh trường hợp khi giải vào giai đoạn chợ chiều sẽ có không ít trận đấu nhạt nhẽo, vô bổ, người hâm mộ không mấy quan tâm, nhà đài sẽ không sản xuất chương trình. Và quan trọng nhất cách làm này tránh được sự lãng phí tiền của không cần thiết.
Bởi thực tế, ở thời điểm này, sẩn xuất một trận đấu bóng đá, nhà đài phải bỏ ra từ 40 đến 45 triệu đồng và nếu 3 đài truyền hình cùng vào sân thực hiện sản xuất một chương trình sẽ lãng phí gần 100 triệu đồng. Rõ ràng “chiến thuật” này mang lại hiệu quả thiết thực.
Thứ ba, dù nắm trong tay toàn bộ thương quyền các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, nhưng vì lợi ích cộng đồng, AVG đã chủ động chia sẻ thương quyền một cách bình đẳng và quyết định này được cả VTV và VTC đồng lòng, cùng hợp tác.
“Chiến thuật” này được đối thủ đánh giá là đẹp mắt. Và điều đáng mừng nữa cả 3 nhà đài đã quyết định nâng giá trị hợp đồng từ 6 tỷ lên 10 tỷ đồng/năm. Một lối chơi phóng khoáng vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
Có thể cuộc chiến bản quyền truyền hình chưa thể kết thúc, bởi các bên còn có thể cò kè, bớt một thêm hai, nhưng rõ ràng “chiến thuật” 4-3-3 trong việc chia sẻ thương quyền truyền hình đã để lại ấn tượng tốt trong lòng công chúng
Theo Vietnamnet
0 comments:
Đăng nhận xét