(Infonet) – Đó là nhận định của NSƯT Nguyễn Trung Hiếu, đại diện Truyền hình An Viên phía Nam trước thực trạng truyền hình đang ngày càng thiếu vắng những bộ phim tài liệu mang tính chính luận cao.
Theo NSƯT Nguyễn Trung Hiếu, làm phim tài liệu không chỉ là ca ngợi chung chung mà phải xác lập được tính chính luận, điều tác giả muốn lên án trong phim. Nhưng để xác lập được tính chính luận này thì đòi hỏi người lãnh đạo ở đài đó phải “chịu chơi” thì mới có phim hay.
Đa số những nhà làm phim tài liệu truyền hình hiện nay đều đang gặp khó khăn ở chỗ, khi bắt đầu làm phim thì lưỡng lự, không biết nên nói như thế nào, làm nội dung phim ra sao, làm xong liệu có được phát sóng không, có bị bắt dò gì không…
“Làm phim tài liệu mà cứ nghĩ sau lưng mình có ông công an giật dây, ông tuyên giáo giám sát, nhắc chừng nội dung phim thì chắc chắn là không dám làm, không dám nói thẳng những vấn đề xã hội đang bức xúc. Như thế thì làm sao có phim hay được!”, NSƯT Nguyễn Trung Hiếu thẳng thắn bày tỏ quan điểm.
Đạo diễn Bùi Đình Dương, cơ quan thường trú Đài truyền hình Việt Nam tại TP.HCM cũng có cùng quan điểm: “Ai bảo lớp trẻ không giỏi, không nhiệt huyết, không có đam mê làm phim tài liệu truyền hình. Người giỏi, người có đam mê đều có cả. Nhưng lớp trẻ làm phim tài liệu thì ai duyệt, lãnh đạo duyệt. Lãnh đạo có dám để cho phát không hay cho rằng ‘nhạy cảm’ thì lại bỏ đi rồi cho rằng lớp trẻ thiếu chín chắn, thiếu nhận thức sâu sắc, làm phim theo kiểu… ngựa non”.
Muốn có phim hay thì phải thay đổi, thay đổi từ tâm lý, tư duy của ông lãnh đạo đài. Mặt khác, tạo cơ hội cho đạo diễn trẻ có điều kiện tham gia nhiều hơn vào việc làm phim tài liệu để học hỏi, trao dồi kiến thức, rèn luyện cách làm phim chuyên nghiệp từ thực tế làm phim.
Để kích thích sáng tạo, thu hút đông đảo lực lượng tham gia làm phim tài liệu truyền hình, đạo diễn Lý Quang Trung, Hãng phim truyền hình – Đài truyền hình TP.HCM cho rằng, lãnh đạo các đài phải có những chính sách phù hợp cho người làm phim, kinh phí sản xuất.
Thực tế hiện nay, sự quan tâm đầu tư cho thể loại phim tài liệu truyền hình ở các đài còn rất ít, nặng về bao cấp, hình thành kiểu làm phim thụ động, bao nhiêu tiền thì làm bấy nhiêu, đặc biệt là ở các đài truyền hình địa phương.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tiếng, Phó giám đốc Đài truyền hình Cần Thơ phân trần, niềm đam mê làm phim tài liệu không thiếu ở tất cả các đài truyền hình địa phương, nhưng trong thời buổi vẫn còn phải “ăn gạo đông” như hiện nay, nhiều đài truyền hình phải cân nhắc chi phí, thời gian, phương tiện làm phim. Bởi nếu tập trung nhân tài, vật lực quá nhiều cho một phim tài liệu thì toàn hoạt động sẽ kém hiệu quả kinh tế. Làm một bộ phim tài liệu từ phần tiền kỳ tới hậu kỳ ít nhất cũng phải mất hơn 1 tháng, mà chỉ để phát sóng thì đúng là quá tốn kém so với nguồn kinh phí hiện có của đài.
Duy Nguyên
Theo Infonet.vn