(Công An Nhân Dân) – Dư luận đang chờ đợi Thanh tra Bộ VH-TT&DL vào cuộc làm rõ sai trái, không có tính pháp lý của Công văn số 40 CV/VPF/2012 ngày 12/1/2012 của Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam VPF để trả lời trước công luận và người hâm mộ bóng đá cả nước.
Câu chuyện bản quyền truyền hình Giải bóng đá vô địch quốc gia (hay còn gọi là Super League) đã bị xới lên trong lễ tổng kết mùa giải của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) bởi các ông bầu của các CLB mà đại diện là ông Nguyễn Đức Kiên – Chủ tịch Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội.
Sau sự kiện này, Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã chính thức ra đời và việc đầu tiên mà công ty này tiến hành không phải là cải tổ toàn diện nâng cao chất lượng của bóng đá Việt Nam, mà là đòi xem xét lại bản quyền truyền hình mà Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã ký với AVG một năm trước.
Bằng những động thái khác nhau, Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam mà đại diện là ông Nguyễn Đức Kiên – với cương vị Phó Chủ tịch HĐQT đã cho phép Đài Truyền hình KTS VTC ghi hình ở 2 vòng đấu đầu tiên của Super League mà chưa có sự đồng ý từ phía AVG – đơn vị đang nắm giữ hợp pháp bản quyền truyền hình. Và ngay cả khi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam có công văn yêu cầu Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, các đài truyền hình cũng như các cơ quan liên quan tôn trọng bản hợp đồng đã ký kết với AVG.
Tiếp đó, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cũng đã có công văn chính thức yêu cầu các cơ quan chức năng và các bên liên quan phải tôn trọng bản quyền truyền hình hiện tại giữa AVG và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, trong khi chờ đoàn thanh tra của Bộ có quyết định cuối cùng về vấn đề này. Sau khi nghe báo cáo của Văn phòng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, ngày 12/1/2012, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 268 VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề này, chúng tôi xin nêu nguyên văn nội dung như sau:
Kính gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Xét báo cáo của Văn phòng Chính phủ về vấn đề truyền hình Giải bóng đá quốc gia, sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến yêu cầu như sau:
1. Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL chỉ đạo việc thanh tra hợp đồng bản quyền truyền hình về Giải bóng đá quốc gia, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL chỉ đạo giải quyết các vướng mắc để đảm bảo Giải bóng đá quốc gia được các đài truyền hình truyền hình trực tiếp, liên tục, rộng rãi cả nước, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ VH-TT&DL biết, thực hiện.
Chủ trương chỉ đạo trên của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề bản quyền truyền hình đã rất rõ ràng, minh bạch và hợp lòng dân. Theo công văn này thì Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL là người duy nhất chỉ đạo việc thanh tra, giải quyết các vướng mắc để các đài truyền hình được truyền hình trực tiếp Giải bóng đá quốc gia, liên tục, rộng rãi cả nước, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Tưởng như câu chuyện bản quyền truyền hình này đã tạm lắng dịu thì cùng ngày hôm đó, Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã có Công văn số 40 CV/VPF/2012 do Chủ tịch HĐQT Võ Quốc Thắng ký gửi Đài Truyền hình Việt Nam VTV, Đài Truyền hình VTC, các đài truyền hình địa phương, Ban tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp, Ban tổ chức các địa phương đề nghị các đài truyền hình khi đến tác nghiệp tại các giải bóng đá do Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam tổ chức cần phối hợp với Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam và các ban tổ chức giải theo những nguyên tắc như sau:
- Các đài truyền hình chủ động lựa chọn trận đấu và đăng ký trước 2 ngày khi trận đấu diễn ra với Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
- Ngay sau khi các đài truyền hình gửi thông báo đến Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam có trách nhiệm gửi kế hoạch truyền hình đến các ban tổ chức địa phương để xác nhận, lên kế hoạch hợp tác và hỗ trợ, tạo điều kiện để các đài truyền hình thực hiện nhiệm vụ.
- Trong trường hợp có nhiều hơn 2 đài truyền hình dự kiến truyền hình cùng một trận đấu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam có trách nhiệm trao đổi với các đài truyền hình có liên quan để thống nhất lịch phát sóng một cách tốt nhất và đảm bảo việc tác nghiệp của các đài truyền hình không làm ảnh hưởng đến việc điều hành trận đấu của tổ trọng tài và ban tổ chức sân.
- Để đảm bảo việc phục vụ đông đảo người hâm mộ, HĐQT Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đề nghị các đài truyền hình, ban tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp, các ban tổ chức địa phương cùng nhau phối hợp, hợp tác để việc truyền hình các trận đấu được thực hiện một cách tốt nhất.
Như vậy theo nội dung của Công văn mà Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đưa ra là hoàn toàn trái ngược với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề bản quyền truyền hình. Chỉ có Bộ VH-TT&DL mới có đủ thẩm quyền cũng như trách nhiệm để giải quyết vấn đề này, Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang nghiễm nhiên làm thay công việc của Bộ VH-TT&DL.
Dư luận đang chờ đợi Thanh tra Bộ VH-TT&DL vào cuộc làm rõ sai trái, không có tính pháp lý của Công văn số 40 CV/VPF/2012 ngày 12/1/2012 của Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam VPF để trả lời trước công luận và người hâm mộ bóng đá cả nước.
Nguyễn Tuấn
Theo Công An Nhân Dân
0 comments:
Đăng nhận xét