Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

Hợp đồng VFF- AVG vi phạm luật cạnh tranh?

(Pháp Luật Việt Nam) – Các luật sư tiếp tục tranh luận “nảy lửa” xung quanh bản hợp đồng VFF và AVG. Sau khi luật sư Mai Xuân Hương “lên tiếng” trên PLVN về tính hiệu lực của bản hợp đồng, luật sư Phạm Quang Biên – Giám đốc Công ty Luật IMC đã gửi tới PLVN những ý kiến của mình xung quanh vấn đề : việc độc quyền khai thác thương quyền các giải bóng đá trong nước của AVG trong 20 năm liệu có vi phạm Luật cạnh tranh hay không?
Mua bản quyền truyền hình các giải bóng đá trong 20 năm AVG có vi phạm luật cạnh tranh?
Luật sư Phạm Quang Biên cho rằng : Nhìn ở góc độ thương mại, việc mua bán bản quyền truyền dài hạn là hết sức phổ biến ở trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực thể thao và hẳn là AVG có những tính toán và cách tiếp cận riêng khi quyết định lựa chọn độc quyền các giải bóng đá trong nước.
Trên thực tế không ít người nhận định rằng một doanh nghiệp độc quyền một sản phẩm nào đó có nghĩa là vi phạm Luật Cạnh tranh. Song nhận định này hoàn toàn không có cơ sở.
Bản chất của Luật Cạnh tranh không cấm độc quyền mà chỉ cấm hành vi độc quyền có khả năng gây phương hại tới môi trường cạnh tranh, tới doanh nghiệp trong cùng ngành nghề và tới người tiêu dùng.
Độc quyền và thống lĩnh thị trường quy định trong Luật Cạnh tranh phải được hiểu là khả năng của một doanh nghiệp trên thị trường khi kinh doanh một sản phẩm nào đó đối với người tiêu dùng, đối với đối thủ cạnh tranh được đặt trong “thị trường liên quan” với những sản phẩm có thể thay thế lẫn nhau, có tính năng sử dụng tương tự, hoặc có cùng mục đích sử dụng.
Quay lại Hợp đồng chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá thuộc quyền sở hữu của VFF, “thị trường liên quan” trong trường hợp này được hiểu là thị trường truyền hình về thể thao. Nói một cách khác, trong trường hợp người hâm mộ thể thao (ở phương diện chung) không xem bóng đá Việt Nam trên truyền hình thì có thể lựa chọn xem các môn thể thao khác như bóng rổ, bóng chuyền, quần vợt, đua xe …., đó chính là thị trường liên quan.
Ở phạm vi hẹp hơn, ngoài các giải bóng đá thuộc sở hữu VFF, người hâm mộ thể thao có thể xem các giải đấu khác hiện đang rất phổ biến như bóng đá Anh, Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Nga, Brasil và các giải đấu trong khu vực như AFF cup, AFC cup trên truyền hình….
Với thị trường liên quan rộng như vậy thì việc AVG độc quyền khai thác thương quyền một số giải đấu bóng đá trong nước trên tổng số khoảng 200 giải thể thao trong nước một năm (số liệu của Tổng cục Thể dục thể thao năm 2011) chiếm tỷ lệ không đáng kể trên thị trường liên quan. Do đó, không đủ cơ sở để nói rằng việc độc quyền của AVG là vi phạm Luật Cạnh tranh.
Bên cạnh đó, kể từ thời điểm được trao độc quyền khai thác các giải đấu bóng đá trong nước, AVG đã tạo điều kiện cho các nhà Đài vào sân ghi hình và phát sóng với mức phí hợp lý. Một minh chứng rõ ràng là sau một năm thực hiện Hợp đồng, thời lượng phát sóng trực tiếp các trận bóng đá năm 2011 tăng hơn 200% so với năm 2010, không có đơn vị nào có nhu cầu khai thác thương quyền mà không được AVG đáp ứng trong năm 2011.
Từ góc độ này có thể thấy người xem truyền hình đang được hưởng lợi vì có nhiều lựa chọn xem truyền hình trực tiếp bóng đá trong nước. Về phía các đối tác thì rõ ràng là không đối tác nào, nhà Đài nào bị ngăn cản, kìm hãm trong việc cùng khai thác thương quyền các trận bóng đá của Việt Nam.
Một số ý kiến cũng cho rằng bản thân thời hạn 20 năm của hợp đồng VFF – AVG cũng là vi phạm Luật Cạnh tranh. Từ góc độ pháp lý, không thể kết luận cảm tính như vậy vì:
Thứ nhất, Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường trong đó doanh nghiệp được khuyến khích làm những việc mà pháp luật không cấm. Ở đây cần thấy rõ là không quy định nào của pháp luật cấm các pháp nhân ký kết với nhau hợp đồng 20 năm.
Thứ hai, thực tiễn kinh doanh trong nước và quốc tế đã có nhiều tiền lệ về thời hạn hợp đồng này. Ví dụ như trang web của Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC) có đưa tin về bản hợp đồng giữa AFC và WSG với thời hạn 20 năm, sau khi kết thúc thời hạn, các bên đã ký kết gia hạn thêm 7 năm nữa.
Hay như trong nước, chỉ cần một lệnh tìm kiếm trên internet ta sẽ thấy các hợp đồng BOT xây dựng cầu, đường giữa Nhà nước và nhà đầu tư đều có thời hạn từ 20 năm trở lên, hợp đồng mua bán điện giữa Nhà máy nhiệt điện Mông Dương và EVN có thời hạn 25 năm hay như Hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam với Tập đoàn đầu khí Gazprom có thời hạn 30 năm.
Như vậy, chừng nào người xem truyền hình vẫn có nhiều sự lựa chọn để xem giải bóng đá và các giải thể thao khác nhau, các nhà Đài vẫn có nhiều lựa chọn về việc sản xuất các giải thể thao khác nhau thì việc độc quyền khai thác thương quyền các giải bóng đá trong nước của AVG không thể coi là vi phạm Luật Cạnh tranh.
Anh Phương (ghi)

0 comments:

Đăng nhận xét