(TT&VH) - Những ngày vừa qua, vấn đề bản quyền truyền hình V-League bỗng nhiên trở thành một chủ đề rất được quan tâm của dư luận, khi bản hợp đồng bản quyền truyền hình bóng đá VN có thời hạn 20 năm giữa VFF với AVG được các ông bầu nhóm G6, những người đầu tiên ký tên vào đề án thành lập Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF), liên tục đề cập với nhiều góc nhìn khác nhau.
Khi nào HN.ACB thi đấu với đằng sau là khán đài chật cứng khán giả thì khi ấy bản quyền truyền hình may ra mới là một nguồn thu đáng kể của các CLB V-League. Ảnh: VSI
Trong khi bầu Kiên lên tiếng yêu cầu VFF xem lại bản hợp đồng này và trả lại quyền ký hợp đồng bán bản quyền truyền hình V-League cho VPF, thì bầu Đức bên cạnh việc tán thành với ý kiến nên xem xét lại bản hợp đồng này, ông chủ CLB HA.GL lại công khai bày tỏ sự ủng hộ với AVG và cho rằng: “Quan điểm của tôi là AVG tham gia chỉ có lợi cho đôi bên chứ không có hại. Họ truyền hình trực tiếp cho mình, tại sao mình không thích? Nếu chúng tôi đá tốt hơn, AVG hưởng lợi từ quảng cáo. Họ truyền nhiều thì hình ảnh của chúng tôi cũng được phổ biến rộng hơn. Chúng tôi đá kém thì họ bán quảng cáo cho ai”.
Về phía mình, VFF vẫn kiên định với tuyên bố bản quyền truyền hình V-League là độc quyền của tổ chức xã hội nghề nghiệp này, và theo Điều lệ của AFC và FIFA, bản quyền truyền hình (là một phần của bản quyền thương mại, hình ảnh) ở mọi sự kiện lớn do AFC hay FIFA tổ chức đều thuộc về 2 cơ quan này, tương tự những gì Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã phát biểu trong cuộc giao lưu trực tuyến trên báo Bóng đá điện tử ngày 3/10 vừa qua.
Vấn đề cần đặt ra ở đây là tại sao đến thời điểm này, chủ đề bản quyền truyền hình V-League bỗng dưng lại được quan tâm một cách đặc biệt như thế, còn khi VFF mới công bố bản hợp đồng với AVG thì không thấy ai lên tiếng mạnh mẽ?! Hơn nữa, với đặc thù của bóng đá VN như hiện nay, nhiều khả năng sẽ phải ở một thì tương lai khá xa nữa thì bản quyền truyền hình mới là nguồn thu đáng kể của các CLB chuyên nghiệp.
Tính theo số tiền bản quyền truyền hình mà VFF chia cho các CLB trong 2 mùa giải gần đây nhất, đội bóng nào được nhiều nhất cũng chỉ vài trăm triệu đồng, chỉ tương đương với khoản thưởng cho một trận thắng. Theo số liệu của AVG, so với mùa giải 2010, số trận được truyền hình trực tiếp của giải hạng Nhất và V-League ở mùa giải 2011 đã tăng thêm 526% (với giải hạng Nhất, từ 23 trận của năm 2010 lên 144 trận của năm 2011) và 53% (với V-League, từ 116 trận của năm 2010 lên 177 trận của năm 2011).
Thế nhưng, việc số trận được phát trực tiếp trên sóng truyền hình của năm 2011 tăng đột biến so với năm 2010 chưa chắc đã đồng nghĩa với chuyện số lượng khán giả theo dõi bóng đá VN qua màn ảnh TV cũng tăng lên tương xứng. Hiện tại vẫn chưa có con số chính xác để thống kê về số khán giả thực tế đã xem các trận đấu của V-League và giải hạng Nhất được trực tiếp trên truyền hình ở mùa bóng vừa qua, nhưng nhiều khả năng con số này cũng sẽ không quá khác biệt so với tình hình èo uột trên phần đông các khán đài của V-League 2011.
Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, trong vòng mấy năm trở lại đây, bóng đá VN, mà cụ thể là V-League, đã để mất khá nhiều khán giả vì những vấn đề mang tính mặt trái cứ tồn tại dai dẳng từ mùa này qua mùa khác, và chỉ có ĐTQG ở những giải đấu chính thức thì mới còn sức hút với CĐV. Vì thế, tranh cãi về vấn đề bản quyền truyền hình V-League lúc này xem ra không thiết thực bằng những chuyện sát sườn hơn như làm sao để chọn ra một trưởng BTC giải tài đức vẹn toàn, nâng cao chất lượng của đội ngũ trọng tài, hay đơn giản là để VPF có thể sớm đi vào hoạt động ngay đầu năm 2012.
Bầu Kiên có thể là người lên tiếng đầu tiên và quyết liệt nhất trong các vấn đề bản quyền truyền hình, nhưng thực tế là ở mùa bóng vừa qua, HN.ACB của ông là đội bóng ít được truyền hình trực tiếp nhất ở V-League 2011, và có không dưới 3 lần HN.ACB đã bị các nhà đài hoàn toàn bỏ quên khi họ trở về đá ở sân nhà Hàng Đẫy.
Với khả năng tài chính của mình, bầu Kiên có thể dễ dàng qua mặt bầu Hiển để giành lấy Công Vinh ở phút chót, nhưng làm sao để khán giả phủ kín sân Hàng Đẫy mùa tới và để CLB bóng đá Hà Nội (tạm gọi như thế) có giá hơn trong con mắt các nhà đài hẳn cũng không phải là nhiệm vụ dễ dàng với nhà tài phiệt ngân hàng này.
Hoàng Huy
Theo: Thể Thao Văn Hóa
0 comments:
Đăng nhận xét